Triển khai thi hành Luật Nhà giáo
Hai hoạt động quan trọng liên quan đến triển khai thi hành Luật Nhà giáo diễn ra trong tuần qua.
Sáng 17/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, đề xuất, nêu ý kiến liên quan đến các nội dung Luật Nhà giáo, nội dung, quy trình ban hành, triển khai thực hiện các nghị định, thông tư trong thời gian tới.
Nhận định Luật Nhà giáo 2025 đã có một số bước đi mang tính đột phá trong việc hoàn thiện thể chế giáo dục, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: trong thời gian tới, cần tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo theo phân cấp, phân quyền; nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các bên có liên quan theo tinh thần kiến tạo phát triển nhà giáo và nhân sự giáo dục; đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và nhân sự giáo dục theo định hướng sẵn sàng cho tương lai.
Đồng thời, cần thí điểm và từng bước mở rộng mô hình trường học hạnh phúc ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà giáo và nhân sự giáo dục phục vụ xây dựng chính sách, giám sát, đánh giá.
Khuyến nghị về công tác thu thập dữ liệu, phân tích và dự báo về nhà giáo ở Việt Nam, ông Nyi Nyi Thaung, đại diện UNESCO Bangkok nhận định, cần phát triển hệ thống thông tin quản lý giáo viên liên thông với hệ thống thông tin quản lý giáo dục EMIS bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên và quản lý nhân sự; mở rộng phân tách dữ liệu như thành phần dân tộc, khuyết tật, tình trạng việc làm…
Ông Nyi Nyi Thaung cũng khuyến nghị Bộ GD&ĐT Việt Nam tận dụng công nghệ số để tích hợp và trực quan hóa dữ liệu; cần sử dụng các công cụ dự báo để cung cấp thông tin cho chính sách về tuyển dụng, duy trì và đào tạo giáo viên; nâng cao năng lực ở cấp địa phương trong việc sử dụng dữ liệu cho công tác hoạch định và thúc đẩy hợp tác liên ngành.

Chiều cùng ngày, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng trong phát biểu tại hội nghị đã khẳng định các dấu ấn và những bài học trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.
Theo đó, 4 dấu ấn lớn được Thứ trưởng nhấn mạnh. Thứ nhất, lần đầu tiên có một luật riêng dành cho đội ngũ nhà giáo, đây là đỉnh cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo.
Thứ hai, Luật đáp ứng được mục tiêu của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm: Khi Luật Nhà giáo được ban hành, đội ngũ nhà giáo sẽ vui mừng đón nhận.
Thứ ba, đây là một luật mẫu về đổi mới tư duy xây dựng luật. Cuối cùng, Luật Nhà giáo là căn cứ pháp lý cao nhất, đủ mạnh, tổng thể để xây dựng các văn bản dưới luật về nhà giáo.
6 bài học được Thứ trưởng chia sẻ, bao gồm: Xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phạm vi đối tượng áp dụng của Luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán và thông suốt; công tác phối hợp phải chủ động, chia sẻ và hết sức thấu hiểu; phát huy trí tuệ tập thể, tham khảo đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng; cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, giải trình một cách thuyết phục, có thực tiễn, có lý luận; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông.
Cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo đã khó, nhưng hành trình đưa Luật vào cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều, khi các tư tưởng trong Luật sẽ đụng chạm với thực tế gai góc, TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Cần phải bảo đảm tất cả tuân theo một hạt nhân cơ bản, đó là bảo quyền quản lý thống nhất của ngành Giáo dục đối với nhà giáo.
Bày tỏ vinh dự khi đồng hành cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cũng đồng quan điểm khi nói về tổ chức thực hiện Luật. Ông cho rằng, điều quan trọng là sau khi ban hành Luật thì sẽ kiến tạo được những gì mới hơn, tốt hơn cho sự phát triển của nhà giáo, tạo thêm bước tiến gì cho nền giáo dục, cho sự nghiệp phát triển con người của đất nước. Đó mới là đích cuối cùng.
Nhấn mạnh quyết tâm cao trong quá trình xây dựng Luật với tinh thần xuyên suốt: xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có niềm tin to lớn với việc Luật sẽ phát huy giá trị trong thực tiễn. Theo Bộ trưởng, Luật là công cụ, không phải là đích đến và chúng ta đã có một công cụ sắc bén, chắc chắn để phát triển lực lượng nhà giáo. Đây là công việc liên tục, không ngừng nghỉ.
Tại hội nghị, 2 tập thể và 63 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng Luật Nhà giáo.

Thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Chiều 15/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chủ trì Hội nghị.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 513 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, 141 thí sinh được điểm 10 môn tiếng Anh, không có điểm 10 môn Ngữ văn.
Cụ thể, môn Toán có trên 1,12 triệu thí sinh dự thi, trong đó có 513 thí sinh đạt điểm 10. Trong khi đó năm 2024, số điểm 10 là 0. Ninh Bình, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hưng Yên là các địa phương có nhiều điểm 10 môn Toán nhất.
Môn ngữ văn phổ điểm tương đối ổn định, nhưng không có điểm 10 (năm 2024 có 2 điểm 10).
Môn tiếng Anh có điểm trung bình là 5,38, với 141 điểm 10. Hà Nội, TP.HCM là hai địa phương có nhiều điểm 10 tiếng Anh nhất
Trao đổi tại Hội nghị, các chuyên gia đánh giá phổ điểm năm nay đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục, phân hóa tốt, đề thi được cải tiến, học sinh thích ứng nhanh và các địa phương có sự tiến bộ rõ rệt. Kỳ thi không chỉ đánh giá năng lực của học sinh, phục vụ tuyển sinh, mà còn là căn cứ quan trọng để điều chỉnh chiến lược giáo dục quốc gia.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay phản ánh đúng chất lượng và có sự phân hóa tốt, đặc biệt ở hai môn Toán và tiếng Anh.
Phổ điểm đạt mục tiêu kép: vừa phân hóa tốt để phục vụ tuyển sinh, vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phân tích phổ điểm theo từng địa phương giúp các nhà quản lý giáo dục nắm chỉ số phát triển từng tỉnh, từ đó có căn cứ điều chỉnh chính sách phù hợp
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, phổ điểm năm nay thú vị và bất ngờ, nhất là với môn Toán và tiếng Anh, với phổ điểm rất hài lòng. Đề thi môn Toán đã giúp phân tích, đánh giá năng lực học sinh rõ ràng hơn.
“Dường như khả năng thích ứng của học sinh tốt hơn nhiều so với cách người lớn đánh giá bằng cảm tính. Với dữ liệu phổ điểm như hiện nay đã hạn chế được các nhận xét cảm tính, điều đó rất lạc quan”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã có sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt, từ xa cho các địa phương, từ khâu tổ chức dạy học, ôn tập và các điều kiện đảm bảo trong tổ chức Kỳ thi. Từ việc ra đề thi, sao in, đến tổ chức coi thi, chấm thi đều rất nghiêm túc, khoa học, bài bản; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội… Kết quả thi có sự phân hóa rất tốt.
Nhận định phổ điểm rất đúng thực chất, đồ thị phân hóa đẹp, mượt mà, ông Thái Văn Thành cho rằng, đây là cơ sở tin cậy để các trường đại học có nhu cầu sử dụng điểm thi trong xét tuyển; đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới cách dạy học trong nhà trường.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thành công tốt đẹp, bảo đảm mục tiêu đề ra. Phổ điểm năm nay không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Phổ điểm, trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, thể hiện sự ổn định.
Kết quả Kỳ thi năm nay, theo Thứ trưởng, cũng đủ độ tin cậy để các trường đại học yên tâm sử dụng tuyển sinh. Lần đầu tiên, quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam đứng thứ 9 trên 113 quốc gia tại Olympic Toán quốc tế 2025
Sáng 19/7, Bộ GD&ĐT nhận được thông tin chính thức về kết quả của đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 66, năm 2025, tổ chức tại thành phố Sunshine Coast, bang Queensland, Úc.
Kết quả, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 9 trong số các quốc gia tham dự, với 6/6 học sinh đều đoạt huy chương, gồm: 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Cụ thể, xuất sắc giành Huy chương Vàng là em Võ Trọng Khải, lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An; em Trần Minh Hoàng, lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
3 học sinh giành Huy chương Bạc gồm: Nguyễn Đăng Dũng, lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Đình Tùng, lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Lê Phan Đức Mân, lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, đoàn có một nữ sinh lớp 11 tham gia và xuất sắc đạt Huy chương Đồng, đó là em Trương Thanh Xuân, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Năm nay, đoàn Việt Nam có sự góp mặt của học sinh ba miền Bắc, Trung, Nam. So với kết quả năm 2024 (2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 1 bằng khen), thành tích của đoàn Việt Nam năm 2025 đã có sự vượt trội rõ rệt.
Với tổng số điểm 188, đoàn Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Kỳ thi năm nay, xếp sau các đoàn: Trung Quốc (1), Mỹ (2), Hàn Quốc (3), Ba Lan và Nhật Bản đồng hạng 4, Israel (6), Ấn Độ (7), Singapore (8).
Kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 66 được tổ chức từ ngày 10 - 20/7/2025 tại thành phố Sunshine Coast, bang Queensland, Úc, với sự tham gia của hơn 639 thí sinh đến từ 113 đoàn đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần thứ hai Úc đăng cai tổ chức IMO, sau lần đầu tiên vào năm 1988.
Phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII

Chiều 16/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo và phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” do Bộ GD&ĐT chủ trì, có sự phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Báo Giáo dục và Thời đại được Bộ GD&ĐT giao là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện.
Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2024 đến hết ngày 4/9/2025; nếu đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-pho-diem-thi-tot-nghiep-thpt-trien-khai-thi-hanh-luat-nha-giao-post740576.html
Bình luận (0)