Đây là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu chính thức cho mối quan hệ giữa hai quốc gia, vốn có nhiều điểm tương đồng trong việc kiện định bảo vệ một nguyên tắc cốt lõi: gìn giữ và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong mọi hoàn cảnh.
Tượng Bác ở trung tâm thủ đô Mexico. (Nguồn: Báo Lao động) |
Hai nhà lãnh đạo vĩ đại, Tổng thống Benito Juárez và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vạch ra con đường và điểm giao thoa giữa hai dân tộc, những giá trị đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Vào năm 1867, vị Tổng thống lỗi lạc của Mexico đã khẳng định: “Giữa các cá nhân cũng như giữa các quốc gia, tôn trọng quyền của người khác là hòa bình.” Trong khi đó, vào năm 1946, lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam đã viết: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, một câu nói được khắc ghi trang trọng tại Quảng trường Anh hùng Giải phóng dân tộc, nơi đặt tượng đài vị Anh hùng Việt Nam, ngay tại trung tâm lịch sử của thủ đô Mexico.
Hiện nay, Mexico là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới và với “Kế hoạch Mexico” của Tổng thống Claudia Sheinbaum, đất nước đặt mục tiêu nhanh chóng vươn lên trở thành một trong 10 nền kinh tế hàng đầu toàn cầu, với ít nhất 100 khu công nghiệp mới, đồng thời nằm trong top 5 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.
Mexico cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 9 toàn cầu, nhưng trên hết, được biết đến với những nền văn minh cổ đại vĩ đại, nền ẩm thực đặc sắc và 33 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất thế giới, đã đạt được những thành tựu kinh tế vượt bậc chỉ trong vòng một thế hệ. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một nền kinh tế phát triển vào năm 2050.
Ngoài lập trường kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền và vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, Việt Nam và Mexico còn tìm thấy tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực đa dạng. Trong 6 năm qua, Mexico đã đạt được những bước tiến lịch sử trong công cuộc giảm nghèo và đã chủ động thúc đẩy sáng kiến tại các diễn đàn quốc tế nhằm dành 1% chi tiêu quân sự toàn cầu cho việc hỗ trợ các cộng đồng khó khăn nhất.
Còn Việt Nam được ghi nhận rộng rãi nhờ những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế – xã hội, với tỷ lệ nghèo đa chiều hiện đã giảm xuống dưới 3%. Cả hai quốc gia đều đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng xã hội bao trùm, với các cách tiếp cận và mô hình phát triển riêng biệt, nhưng cùng chia sẻ cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống đắc cử Mexico Claudia Sheinbaum tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 18/11/2024. (Nguồn: TTXVN) |
Sự tương đồng giữa Mexico và Việt Nam không chỉ dừng lại ở bản sắc và các nguyên tắc chung. Trong những năm gần đây, nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, sự phát triển này đi kèm với thâm hụt thương mại lớn từ phía Mexico, điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam cho các sản phẩm của Mexico.
Hai nền kinh tế Mexico và Việt Nam cũng mang tính bổ trợ lẫn nhau nhờ vị trí địa lý chiến lược - Mexico ở Bắc Mỹ và Việt Nam ở Đông Nam Á - cùng với chuỗi cung ứng có tính chất bổ sung và tiềm năng hợp tác to lớn được mở ra thông qua Hiệp định CPTPP, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ và sản xuất.
Không nghi ngờ gì rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Claudia Sheinbaum và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Rio vào ngày 18/11/2024 đã thể hiện rõ cam kết chính trị của hai bên trong việc tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu chung... (Đại sứ Alejandro Negrín) |
Mexico và Việt Nam đều có tầm nhìn rõ ràng về tương lai quan hệ song phương, phản ánh mức độ trưởng thành và chiều sâu mà hai nước đã đạt được trong mối quan hệ này. Cả hai đang nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, hải quan, vận tải hàng không và hợp tác quốc phòng — những nền tảng then chốt cho việc tăng cường kết nối và hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực chiến lược.
Bên cạnh đó, hai nước vẫn nỗ lực hằng ngày để tăng cường kết nối giữa các trường đại học và thúc đẩy giao lưu văn hóa, như minh chứng qua việc gần đây đã trưng bày bản sao tượng đầu người Olmec tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Mexico và nhiều nơi khác trên đất nước Mexico.
Đồng thời, các hoạt động nhằm củng cố hợp tác học thuật và văn hóa cũng được đẩy mạnh, với trọng tâm là thúc đẩy trao đổi giữa các trường đại học và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.
Đại sứ Mexico tại Việt Nam Alejandro Negrín tham dự một sự kiện do Bộ Ngoại giao tổ chức, tháng 7/2024. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Mexico và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao như hai quốc gia độc lập, có sức ảnh hưởng kinh tế đáng kể trên trường quốc tế và cùng chia sẻ khát vọng củng cố hợp tác. Hướng tới tương lai, cả hai quốc gia đều tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Mexico và Việt Nam vẫn còn tiềm năng to lớn và rằng, cùng nhau, hai nước có thể đóng góp vào một thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, hợp tác và hòa bình.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nua-the-ky-quan-he-ngoai-giao-mexico-viet-nam-cung-nhau-kien-tao-tuong-lai-314612.html
Bình luận (0)