Ông Nguyễn Tấn Khanh (65 tuổi) đã gắn bó với Trung tâm suốt 13 năm qua. Mắc chứng tâm thần nhẹ, không có gia đình riêng, ông từng sống trong tình trạng mất ngủ triền miên. Người em gái dù thương anh nhưng không thể chăm lo chu toàn nên đành gửi ông vào Trung tâm với hy vọng ông có chỗ nương tựa lâu dài.
Ông Nguyễn Tấn Khanh (65 tuổi) giúp bệnh nhân khác uống sữa
Với sự chăm sóc bài bản, sự quan tâm, gần gũi và tình cảm từ đội ngũ nhân viên, sức khỏe của ông Khanh dần chuyển biến tích cực. Những cơn mất ngủ của ông không còn, tinh thần cũng nhẹ nhõm hơn. Ông Khanh còn hỗ trợ nhân viên Trung tâm các việc như tắm rửa, đút cơm cho 2 bệnh nhân gần như mất hoàn toàn khả năng nhận thức. Đây là cách ông san sẻ yêu thương, để sống có ích mỗi ngày.
Ông Khanh nói: “Ở đây, tôi được các cô chú nhân viên chăm sóc tận tình, còn được các nhà hảo tâm quan tâm thăm hỏi, tặng quà nên rất vui. Từ khi vào đây, tôi có bạn bè trò chuyện, được tham gia nhiều hoạt động ca hát, thể thao, nhờ vậy mà sức khỏe thể chất và tinh thần cải thiện rõ rệt”.
Cùng chung "mái nhà" với ông Khanh là bà Võ Thị Năm (73 tuổi). Khác với nhiều trường hợp được người thân đưa đến, bà là người chủ động tìm hiểu, lựa chọn Trung tâm để nương tựa tuổi già. Khi ấy, bà Năm sống một mình, có nhiều bệnh nền.
Bà Võ Thị Năm (73 tuổi) trò chuyện với nhân viên tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh
“Mười năm trước, tôi đến Trung tâm để tìm hiểu điều kiện sinh hoạt rồi quyết định ở lại. Đến giờ, tôi vẫn thấy đó là lựa chọn đúng. Tôi có nhiều bệnh nền, ở một mình rất nguy hiểm, còn ở đây lúc nào cũng có cán bộ, nhân viên y tế túc trực nên tôi rất an tâm. Ở đây, tôi thấy mình được quan tâm và không còn cảm giác cô đơn như trước” - bà Năm tâm sự.
Bà kể, thỉnh thoảng, Trung tâm tổ chức cho mọi người đi tham quan, du lịch vừa để thư giãn, vừa giúp các thành viên gắn kết hơn. Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu có điều gì chưa thật phù hợp, bà góp ý nhẹ nhàng và luôn được cán bộ, nhân viên lắng nghe, điều chỉnh kịp thời. Chính sự quan tâm chu đáo ấy khiến bà cảm thấy yên tâm và thoải mái khi chọn gắn bó với nơi này.
Có thời gian, bà Năm còn kèm một bé trai trong Trung tâm học chữ, đếm số. Ngày ngày, hai bà cháu lại ngồi bên nhau, chậm rãi luyện từng nét bút. “Cán bộ, nhân viên y tế và cả các bé cơ nhỡ ở Trung tâm cho tôi cảm giác như mình có cháu con trong nhà. Đó là niềm vui tuổi già mà nếu còn ở nhà tôi không dễ gì có được” - bà Năm xúc động nói.
Phó phòng phụ trách y tế Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Mỗi đối tượng đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng cần được chăm sóc, lắng nghe và yêu thương. Suốt 13 năm công tác tại Trung tâm, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nhiều sự đổi thay. Mỗi khi thấy một người hồi phục, cải thiện được sức khỏe, tôi và đồng nghiệp đều rất vui. Chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình để mỗi người ở đây đều cảm nhận được sự quan tâm chu đáo, tận tình”.
Trong những căn phòng gọn gàng, sạch sẽ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tây Ninh, không khí lúc nào cũng ấm áp. Ở đó, những hoàn cảnh đặc biệt luôn được chia sẻ sự yêu thương từ những con người mang trái tim nhân hậu./.
Thi Mỹ
Nguồn: https://baolongan.vn/o-lai-voi-yeu-thuong-a198975.html
Bình luận (0)