PGS-TS, nhà cổ nhân học hàng đầu Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường vừa có sáng tác mới nhất, đong đầy cảm xúc với tựa đề “Cây bằng lăng trong bão”.
PGS-TS, nhạc sĩ Lân Cường. Ảnh: Linh Đan
Chia sẻ cùng VietNamNet, nhạc sĩ Lân Cường cho biết rất tin tưởng người bạn thân thiết là NSND Phạm Ngọc Khôi nên mời ông đệm đàn cho Cây bằng lăng trong bão. NSND Phạm Ngọc Khôi là người đầu tiên được nghe ca khúc và góp nhiều ý kiến quý báu cho tác giả. Ca sĩ Lê Anh Dũng cũng là cái tên mà nhạc sĩ nhắm đến ngay từ đầu bởi anh có giọng hát truyền cảm, không trưng trổ kỹ thuật nhưng dễ dàng tìm được sự đồng cảm của người nghe. Quá trình thu âm diễn ra chỉ trong 2 ngày bởi cả hai người đều “ngấm” ca khúc rất nhanh. Mê nhạc, diễn kịch giỏi, vẽ đẹp nhưng cả đời gắn bó với những bộ xương Khi PV nêu thắc mắc: “Có điều gì mâu thuẫn giữa công việc một nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ cần đến sự chuẩn xác, chi tiết với tâm hồn bay bổng của người nghệ sĩ?”, nhạc sĩ Lân Cường cười tươi và kể lại cơ duyên đến với nghệ thuật. “Năm 10 tuổi, tôi sang Trung Quốc học nhạc, được học từ thầy Phạm Tuyên và thầy Nguyễn Hữu Hiếu - người đầu tiên chỉ huy dàn hợp xướng ở Việt Nam và thầy Nhan Nghiêm Túc (người Trung Quốc). Về nước, tôi phụ trách dàn hợp xướng 100 người và dàn nhạc 20 người tại trường Lý Thường Kiệt (nay là trường Việt Đức) ở Hà Nội. Người bạn Phú Quang thổi kèn cor trong ban nhạc, sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Năm 1960, khi mới 19 tuổi, tôi sáng tác ca khúc đầu tiên Tiếng hát bản Mường và sau đó là hợp xướng Tiếng ca trên bè gỗ, đều đạt giải trong các cuộc thi dành cho học sinh - sinh viên của Hà Nội. Do gia đình không khuyến khích theo đuổi nghệ thuật nên tôi chọn học khoa Sinh, Đại học Tổng hợp. Thế nhưng, ngay đầu năm 1961 tôi đã lén thi và trúng tuyển vào đội kịch gồm 15 người (có cả bạn Trọng Khôi mà sau này trở thành NSND và Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) được chọn từ mấy trăm thí sinh, thuộc Đoàn nghệ thuật của Bộ Văn hóa cử sang Liên Xô học 5 năm. Tuy nhiên, vì tình hình quốc tế lúc đó nên đội kịch phải ở lại, tôi mới an phận học tiếp”.Một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lân Cường lấy cảm hứng từ những chuyến công tác khảo cổ đầy gian nan.
Sau này, khi làm khoa học, PGS-TS Nguyễn Lân Cường vẫn say sưa sáng tác. Bởi vậy hơn 60 năm qua cùng với những công trình nghiên cứu quan trọng về ngành cổ nhân học, ông còn có khoảng 80 tác phẩm âm nhạc. Nhiều sáng tác của ông bắt nguồn từ những dòng nhật ký nóng hổi về các sự kiện thời sự như chiến thắng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam, cuộc chiến chống Covid… nên tạo được sự gần gũi với người nghe cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ. Bài ca địa chất gồm 3 chương và đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam được nhạc sĩ Lân Cường lấy cảm hứng từ những chuyến công tác khảo cổ đầy gian nan. Bên cạnh những tác phẩm xúc động lòng người như: Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Có lẽ nào lại thế, Bài ca về những người lính đảo, Sau lời tuyên thệ, Cảm xúc Hoàng Thành... nhạc sĩ Lân Cường còn có nhiều ca khúc thiếu nhi như: Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa... “Trong một lần đi xe máy, tôi bắt gặp hai bố con, người bố phóng vụt lên khi đèn chưa chuyển xanh và em bé càu nhàu: 'Ở lớp cô dạy con rằng đèn đỏ thì dừng, đèn vàng chuẩn bị còn đèn xanh mới đi'. Ý tưởng bật ra, tôi dựng ngay xe sát vỉa hè và viết nhạc ngay trên tờ phiếu ăn, tờ giấy duy nhất tôi giữ trong người lúc ấy. Sau này ca khúc đoạt giải cao nhất trong cuộc thi về an toàn giao thông với tiền thưởng 25 triệu đồng. Tôi dùng số tiền đó mua ngay đàn piano giúp cho việc sáng tác thuận lợi hơn chiếc organ cũ kỹ”, nhạc sĩ nhớ lại. Nhạc sĩ Lân Cường kể lại câu chuyện thú vị khi viết nhạc cho thiếu nhi: Ông nói thêm: “Viết nhạc thiếu nhi vừa khó lại vừa ít tiền nhưng tôi vẫn thích vì yêu trẻ con, yêu sự thật thà, trong sáng của chúng. Khó ở chỗ người nhạc sĩ không thể dùng suy nghĩ, cái nhìn của người lớn để viết cho các em. Cao độ cũng vừa phải, không cao quá hay trầm quá các bé sẽ khó hát. Trẻ em rất hồn nhiên nên sẽ là những giám khảo công tâm nhất, nếu không yêu thích sẽ không hát đâu”. Đặc biệt, cuốn sách Nhật ký trên khóa sol của nhạc sĩ Lân Cường chứa đựng những tác phẩm, những kỷ niệm, tình cảm của bạn bè với nhà khoa học đa tài.Anh chị em trong gia đình đến chúc mừng nhạc sĩ Lân Cường trong buổi ra mắt sách "Nhật ký trên khóa sol". Ảnh: NVCC
“Điều thú vị là trong đại gia đình Nguyễn Lân, các con, cháu, chắt… nếu là nam đều có chữ Lân sau họ. Khi tập trung đông đủ, đại gia đình tôi có đến khoảng 80 người, tạo thành một cộng đồng rất đặc biệt”, ông nói.PGS-TS Nguyễn Lân Cường là chuyên gia nghiên cứu nhiều bộ xương người cổ nhất Việt Nam.
Ở tuổi 83, nhà khoa học hàng đầu về cổ nhân học được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu "Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 cá thể", vẫn phóng xe máy với tốc độ 50-55km đến những địa điểm khai quật khảo cổ quanh Hà Nội. “Tôi đi xe máy thường xuyên mà muốn đi xe nhanh phải luyện mắt tốt và đặc biệt là sự chắc chắn, linh hoạt của đôi tay để xử lý tình huống trên đường”, ông hồ hởi khoe.Ảnh, clip: Linh Đan
PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, ông là con thứ tư của cố NGND Nguyễn Lân. PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nổi tiếng là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học cũng như làm chủ nhiệm các đề tài quốc gia về nghiên cứu, phục chế, tu bổ bốn nhục thân của Việt Nam ở các chùa: Đậu, Tiêu Sơn và Phật Tích..... Ông nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, nay là Trưởng Ban Kiểm tra và Đối ngoại của Hội Âm nhạc Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/pgs-ts-nguyen-lan-cuong-tuoi-83-hanh-phuc-ben-vo-con-van-hang-say-lam-viec-2326886.html
Bình luận (0)