UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đề án đặt ra mục tiêu tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Quảng Trị có 30% điểm có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Có ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.
Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 10% làng nghề truyền thống mỗi huyện nông thôn mới có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
80% điểm du lịch cộng đồng được tuyên truyền, quảng bá, có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.
Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm, tập trung đông khách du lịch.
Hàng năm, tổ chức đánh giá các điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch cộng đồng. Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020), phấn đấu có từ 10% - 20% điểm du lịch cộng đồng có mức hài lòng của khách du lịch đạt mức loại khá tốt.
Thông qua việc thực hiện đề án nhằm gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân; đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; hình thành đặc trưng của mỗi địa phương; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Trị.
Du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh trong hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Trị.
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ven biển.
Minh Long
Nguồn: https://baoquangtri.vn/phan-dau-30-diem-du-lich-cong-dong-co-doi-van-hoa-van-nghe-truyen-thong-hoat-dong-thuong-xuyen-191745.htm
Bình luận (0)