Chương trình cho vay GQVL giúp cơ sở may gia công ở huyện Thới Lai ổn định sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, với đa dạng hình thức, giải pháp, 4 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố có 25.215 lao động được GQVL, đạt gần 50% kế hoạch. Các địa phương chủ động phối hợp, kết nối giới thiệu NLĐ vào làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm tại chỗ thông qua chương trình cho vay GQVL.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố tích cực huy động các nguồn vốn để cho vay, như vốn Trung ương, địa phương, tiền gửi tiết kiệm trong dân. Thực hiện Chỉ thị số 40 CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, ngân sách thành phố và các quận, huyện đã chuyển sang NHCSXH trên 929 tỉ đồng để ủy thác cho vay. Các địa phương tập trung cho vay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời, lồng ghép hiệu quả cho vay tín dụng với tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn hộ vay phương thức sản xuất phù hợp.
Hiện doanh số chương trình cho vay GQVL là 294 tỉ đồng, với 5.714 lao động; dư nợ chương trình 2.079 tỉ đồng, với 47.200 lao động còn dư nợ. Qua quản lý của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, hầu hết hộ dân có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập đều được tiếp cận nguồn vốn vay GQVL. Chị Nguyễn Thị Thúy Loan, ấp Thới Phước A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai vay vốn ưu đãi phát triển mô hình trồng sầu riêng, nuôi lươn và ếch thịt, tăng thu nhập. Chị Loan cho biết: “Được vay 50 triệu đồng, tôi chủ động tính toán khoản chi phí hợp lý cho phân bón, thức ăn chăn nuôi. Tôi tranh thủ nuôi thêm vịt xiêm, bán lấy lãi để “nuôi” vườn sầu riêng”. Nông dân thời nay muốn làm ăn có lãi, phải tính toán sát sao, nhạy bén chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phương thức, theo dõi thị trường tiêu thụ”.
Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, chương trình cho vay GQVL đã hỗ trợ NLĐ mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên phần lớn tập trung cho vay đối với hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ theo quy định. Đối với các mô hình sản xuất, kinh doanh thu hút khá đông lao động thì số vốn vay chưa đáp ứng nhu cầu vốn rất bức thiết. Ông Phạm Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH May Phát Tâm, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết, Công ty đang GQVL cho trên 50 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề. Công ty có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, lắp đặt các loại máy móc, thiết bị, rất cần được tiếp cận vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm 50 lao động... Tại các phiên họp về hoạt động cho vay tín dụng chính sách của thành phố, các quận, huyện đề xuất được xem xét phân bổ tăng nguồn vốn cho vay tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu NLĐ. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn, lãnh đạo thành phố chỉ đạo tập trung các giải pháp huy động nguồn vốn Trung ương, địa phương; đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân và vận động thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền hằng tháng để tạo lập, bổ sung nguồn vốn cho vay…
Nguồn vốn chương trình cho vay GQVL ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho NLĐ, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Cùng với nhu cầu tăng vốn vay GQVL, NLĐ mong muốn được đảm bảo sự bền vững, lâu dài, không phải thấp thỏm, bất an trước tình cảnh “được mùa rớt giá” đối với tất cả loại nông sản; thêm niềm tin, động lực để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-huy-hieu-qua-tao-viec-lam-tang-thu-nhap-a186087.html
Bình luận (0)