Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy vai trò các nghệ nhân dân gian

Việt NamViệt Nam17/04/2025

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa của Quảng Ninh, hướng tới bảo tồn văn hóa, đặc biệt là văn hóa đồng bào DTTS gắn với phát triển bền vững, cần nhìn nhận và phát huy xứng đáng vai trò của các nghệ nhân dân gian. Họ vừa là người nắm giữ hồn cốt văn hoá truyền thống lại vừa trao truyền và bồi dưỡng cho các thế hệ kế cận.

Dù đã cao tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú vẫn nhiệt huyết với truyền dạy đàn tính, hát then cho lớp trẻ. Ảnh: La Lành (CTV)

Huyện Bình Liêu hiện còn có 4 nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Trong đó, NNƯT Lương Thiêm Phú nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể thực hành hát then, truyền dạy hát then, đàn tính; sáng tác các bài hát then; kỹ năng làm đàn tính. NNƯT Hoàng Thiêm Thành thực hành hát then, đánh đàn tính và truyền dạy hát then, đàn tính. NNƯT Hoàng Thị Viên và Vi Thị Mè nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Then nghi lễ. Với khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và nghề truyền thống, họ miệt mài cống hiến, sáng tạo, truyền dạy điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống cho lớp cháu con.

Cùng với các NNƯT, Bình Liêu còn có hàng trăm nghệ nhân dân gian là nòng cốt trong các CLB nghệ thuật dân gian tại các thôn bản. Bà Trần Khánh Phượng, Chủ nhiệm CLB hát then - đàn tính xã Lục Hồn, cho biết: "Trong CLB, chúng tôi tự đặt lời, sáng tác những bài hát, bài then. Chúng tôi còn có thể phiên dịch thành lời Việt. Các du khách đến với Bình Liêu, người ta muốn đi tham quan rồi nghe chúng tôi hát then. Du khách rất thích thú”. Không chỉ tham gia trình diễn, giới thiệu văn hóa phi vật thể tại các lễ hội, những nghệ nhân dân gian còn tích cực tham gia truyền dạy các di sản của cộng đồng cho thế hệ trẻ. Bà Tô Thị Nga, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: “Để phát huy vai trò của nghệ nhân, huyện sẽ tiếp tục chú trọng tới công tác phát hiện, đào tạo, lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân nhằm phát triển thêm đội ngũ nghệ nhân của huyện”.

Là lớp học trò kế cận của những NNƯT như Vi Thị Mè, từ những kiến thức được truyền dạy, ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu đã hoàn thành cuốn sách "Dân tộc Tày ở vùng biên giới Bình Liêu"; cùng một số nghệ nhân hát Then tiêu biểu của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… tham gia vào hoạt động trình diễn nghệ thuật hát Then tại 2 thành phố Nice và Paris (Pháp), do Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức tháng 10/2024. Ông Tô Đình Hiệu chia sẻ: “Những nghệ nhân dân gian chính là tư liệu sống để chúng tôi thực hiện công tác bảo tồn văn hóa dân tộc một cách khoa học, đầy đủ, chính xác, từ đó sáng tạo các giá trị văn hóa mới của dân tộc mình theo hướng gìn giữ, phát huy những tinh hoa ngàn đời. Được học và được truyền nghề từ chính các lão nghệ nhân giúp tôi tự tin đưa văn hóa dân tộc đi xa”.

Cũng nhờ phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa thời gian qua, huyện Bình Liêu đã xây dựng được những sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc. Đó là các hội và lễ hội truyền thống như Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ, Hội Kiêng Gió, Hội mùa vàng và Hội hoa sở; hoàn thành Đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn); biên soạn cuốn sách dạy tiếng Tày; xây dựng Then tour trở thành sản phẩm du lịch mới đặc trưng, đưa du khách tham gia vào hành trình du lịch khám phá văn hóa của người Tày tại Bình Liêu.

Các nghệ nhân và người dân xã Bằng Cả tái hiện Lễ cấp sắc trên sân khấu Hội làng Bằng Cả năm 2025.

Cùng với Bình Liêu, TP Hạ Long cũng đang phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn, trao truyền các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Xã Bằng Cả, TP Hạ Long có 3 NNƯT được công nhận là ông Lý Văn Út, ông Đặng Văn Thương và bà Trương Thị Quý. Ông Lý Văn Út là nghệ nhân nắm giữ di sản nghi thức, cách thức tổ chức Hội làng người Dao Thanh Y Bằng Cả, các tiết nhảy trong Lễ cấp sắc, chữ Nôm Dao cổ. Ông cùng các nghệ nhân của xã trên cơ sở bàn bạc đã biên soạn lại Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y, trình diễn Lễ cấp sắc theo hướng chính xác, tiết kiệm và hiệu quả. Ông Út chia sẻ: “Lớp người có tuổi như anh em chúng tôi cố gắng hết sức gìn giữ văn hóa của dân tộc Dao Thanh Y, làm sao để văn hóa của dân tộc Dao không bị mai một”.

Gánh trên vai trọng trách bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ, duy trì sự trường tồn của văn hóa trong dòng chảy lịch sử, song thực tế không mấy nghệ nhân có thể sống dựa vào vốn quý mà cha ông để lại. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định: “Đối với đội ngũ nghệ sĩ và nghệ nhân Quảng Ninh, tôi đánh giá rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn. Sự thiếu thốn về cơ chế hỗ trợ, mức lương chưa đủ để đảm bảo cuộc sống và ít cơ hội giao lưu, học tập khiến họ không thể phát huy hết tài năng và sự sáng tạo của mình. Điều này thực sự đáng lo ngại”.

Trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, số nghệ nhân trong cộng đồng ít dần đi theo thời gian mà việc bồi dưỡng lớp kế cận ngày càng có nhiều thách thức. Ðể giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước, các chính sách hiệu quả về bảo tồn văn hóa, di sản... cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân kịp thời, để họ phát huy tốt hơn nữa cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đào Linh


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm