Người dân thôn Điền Lý, xã Điền Lư trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP.
Những năm gần đây, xã Điền Lư (Bá Thước), nay là thuộc xã Điền Lư mới đã có những bước chuyển biến rõ nét trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Với diện tích đất nông nghiệp lớn, nguồn lao động sẵn có và điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn, rau sạch theo quy trình VietGAP với quy mô hơn 2ha. Đây là hướng đi mới của một địa phương miền núi và thu hút được đông đảo người dân tham gia sản xuất. Mô hình không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn thay đổi thói quen của người dân trong sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Điền Lý, xã Điền Lư, cho biết: “Những năm trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, tôi đã chuyển gần 1.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên trồng rau màu. Nếu thời tiết thuận lợi, giá cả thị trường ổn định thì một sào rau, củ, quả có thể cho lãi khoảng 30 triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy trồng rau mang lại lợi nhuận cao, tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động với kinh phí hơn 10 triệu đồng, giúp tiết kiệm công sức và nâng cao hiệu quả chăm sóc cây màu”.
Được biết, thôn Điền Lý hiện có 215 hộ dân thì có tới 190 hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn và rau sạch theo quy trình VietGAP. Với thành công từ mô hình sản xuất rau an toàn, đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của các xã miền núi trong tỉnh duy trì ổn định ở mức 132.000ha/năm. Tổng sản lượng lương thực đạt khoảng 460.217 tấn/năm. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 56.738ha với sản lượng 312.059 tấn, năng suất bình quân 55 tạ/ha. Ngô được trồng trên diện tích 20.220,8ha, sản lượng đạt 92.004,6 tấn với năng suất 45,5 tạ/ha. Cây sắn phát triển hơn 13.152,2ha, cho sản lượng 201.971,1 tấn với năng suất đạt 152,9 tạ/ha. Ngoài ra, diện tích trồng mía đạt 12.467ha với tổng sản lượng lên tới 822.822 tấn, năng suất đạt 660 tạ/ha. Những con số này không chỉ phản ánh sự ổn định trong sản xuất nông nghiệp mà còn cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong việc nâng cao giá trị cây trồng, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Bên cạnh các cây trồng lương thực, diện tích cây ăn quả tại các địa phương miền núi cũng phát triển đạt 11.800ha với sản lượng hằng năm dao động từ 180.000 đến 200.000 tấn. Một số địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn như Vân Du, Ngọc Lặc, Như Xuân... là những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững cây trồng ở khu vực miền núi, tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm phát triển sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Tổng kinh phí đã hỗ trợ cho các địa phương khu vực miền núi (trước khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện) là 505 triệu đồng, trong đó huyện Như Xuân được hỗ trợ 175 triệu đồng để tích tụ 35ha đất trồng mía áp dụng công nghệ cao; huyện Thạch Thành được hỗ trợ 330 triệu đồng để phát triển 33ha rau màu. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả tập trung cũng được triển khai đồng bộ với tổng kinh phí 46,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như hỗ trợ giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông phục vụ 9 vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã miền núi. Những chính sách hỗ trợ thiết thực đã tạo điều kiện cho khu vực miền núi phát triển cây trồng phù hợp, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mà còn nâng cao thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-ben-vung-cay-trong-khu-vuc-mien-nui-253877.htm
Bình luận (0)