Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển ngành thủy sản bền vững

Để phát triển bền vững ngành thủy sản, tỉnh đã và đang tập trung tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đẩy mạnh hoạt động tái tạo nguồn lợi, tăng cường phát triển khoa học công nghệ…

Báo Bà Rịa - Vũng TàuBáo Bà Rịa - Vũng Tàu31/03/2025

Hải sản vừa cập bến cảng Tân Phước (huyện Long Đất).
Hải sản vừa cập bến cảng Tân Phước (huyện Long Đất).

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Nguyễn An Hữu (xã Phước Hội, huyện Long Đất) có tàu cá dài 18m làm nghề rập xếp đã hơn chục năm. Nhận thấy ngư trường đánh bắt đang ngày càng cạn kiệt, sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, năm 2024, ông đã bán tàu và mua lại một ghe khác nhỏ hơn hành nghề lưới ghẹ.

“Nếu cải tạo tàu 18m từ rập xếp qua nghề lưới rê thì chi phí rất cao, tầm 1-1,5 tỷ đồng, gia đình không có đủ tiền. Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, tôi quyết định bán tàu và sắm chiếc ghe nhỏ hơn, trị giá 450 triệu đồng đi vùng lộng nghề lưới ghẹ”, ông Hữu chia sẻ.

Hiện mỗi chuyến biển khoảng 1-2 ngày, ghe nhà ông Hữu đánh bắt được khoảng 40kg ghẹ và cá các loại, bán được 3-4 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn xăng dầu, ăn uống, công bạn, ông lời 2-2,5 triệu đồng/chuyến biển.

Mặc dù thu nhập không bằng nghề rập xếp trước đây nhưng ông Hữu vẫn cảm thấy vui vì việc chuyển đổi nghề không chỉ phù hợp với quy định mà còn bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hiện nay, tỉnh có 5.085 tàu cá, trong đó 2.462 tàu hoạt động vùng khơi, với sản lượng khai thác năm 2024 gần 374 ngàn tấn. Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tập trung thực hiện cơ cấu lại, giảm cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi; vận động ngư dân chuyển đổi, hạn chế nghề giã cào, rập xếp, lồng bẫy; phát triển nghề lưới vây, câu, ổn định nghề lưới rê, dịch vụ hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Sở cũng tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản sau đánh bắt theo hướng nâng giá trị gia tăng, giảm tổn thất đến mức thấp nhất, tăng hiệu quả chuyến biển.

Thúc đẩy nuôi trồng công nghệ cao

Để giảm áp lực trong khai thác hải sản, những năm qua, ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao.

Sau gần 20 năm nuôi cá lồng bè ở vịnh Bến Đầm (huyện Côn Đảo), ông Lê Văn Quân đầu tư hệ thống lồng nhựa HDPE theo công nghệ của Na Uy thay thế phương pháp nuôi cũ để thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, phòng chống dịch bệnh. Theo ông Quân, ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ này có độ bền cao, chịu được sóng to, gió lớn, có khả năng chống lại hóa chất và không bị ăn mòn, gỉ sét bởi nước biển nên ít tốn chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.

Để tái tạo, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hàng năm, ngành nông nghiệp đều tổ chức thả cá, tôm giống về biển vào ngày truyền thống ngành thủy sản 1/4. Qua đó, giúp tăng mật độ quần thể các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức, tạo sự cân bằng sinh thái, ổn định quần thể giống loài trong các thủy vực, lưu vực tự nhiên và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, chung tay xây dựng phát triển ngành bền vững.

Nhờ những đặc tính trên, ông Quân đặt hệ thống lồng nuôi xa bờ, nước sâu, sạch, hạn chế nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh. Ngoài cá mú, chim, bớp, ông mạnh dạn nuôi thêm nhiều loại cá biển có giá trị kinh tế cao như cá chình, mú đỏ, bò giáp, bào ngư…Qua đó, hiệu quả cao hơn 20-50% so với cách nuôi trong lồng bè gỗ truyền thống.

Với diện tích nuôi 5.664 ha, sản lượng hơn 22.600 tấn/năm, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác hải sản, góp phần phát triển ngành bền vững.

Đặc biệt, ngành còn chú trọng chuyển giao nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao. Đến nay, đã có 23 tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 429ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã đạt 46,54%.

Thời gian tới, ngành tiếp tục vận động, khuyến khích các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi hình thức nuôi sang thâm canh, siêu thâm canh, thúc đẩy sản lượng tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh.

“Ngành cũng đẩy mạnh thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản đối tượng nuôi chủ lực (như tôm sú, tôm thẻ chân trắng) để phục vụ truy xuất nguồn gốc; Vận động các DN, cơ sở nuôi có tiềm lực kinh tế xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất tới tiêu thụ để ổn định đầu ra cho sản phẩm thủy sản”, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202503/ky-niem-ngay-truyen-thong-nganh-thuy-san-viet-nam-14-phat-trien-nganh-thuy-san-ben-vung-1038448/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm