NDO - Sáng ngày 21/2, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì “Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì tổ chức cùng chuỗi sự kiện Hội nghị Tiểu ban Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APRC) của IOSCO.
Hội nghị còn có sự tham dự của ông Rodrigo Buenaventura - Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO); bà Julia Leung - Chủ tịch Tiểu ban Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IOSCO (IOSCO APRC); các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý chứng khoán, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính khu vực; đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng; bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; lãnh đạo các Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và đại diện các thị trường chứng khoán Việt Nam…
Các thị trường tài chính của Việt Nam tiếp tục phục hồi, tăng trưởng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024 là một năm khó khăn chung cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý.
Theo đó, lạm phát thấp hơn mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Các lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Năm 2024 đã khép lại, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt trên 476 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Công tác tài chính-ngân sách nhà nước ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tiếp tục được củng cố, bảo đảm.
Bộ trưởng cũng cho biết, các thị trường tài chính, thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, được hoạt động an toàn, minh bạch hơn. Dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu, song thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường.
Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặc biệt chú trọng. Không chỉ làm tốt về công tác quản lý, điều hành, giám sát, năm qua, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, điển hình là Luật Chứng khoán sửa đổi đã được ban hành. Các văn bản hướng dẫn luật hiện đang được đẩy nhanh hoàn thiện để tiếp tục “tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp” và các quy định tiệm cận các thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất chủ động và nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn của thị trường giúp nâng cao khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc nhằm tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Nỗ lực cao nhất để hoàn thiện các tiêu chí để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất quan trọng là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với thị trường chứng khoán các nước phát triển.
Việt Nam cần nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực từ thị trường vốn rất quan trọng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, tạo tiền đề cho kế hoạch phát triển cho 5 năm tiếp theo của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 là tối thiểu từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, bên cạnh các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, thì huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi cho tăng trưởng của Việt Nam.
Và để đạt được điều đó, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 160 tỷ USD - đây là một con số rất lớn. Do vậy, bên cạnh những nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách nhà nước, thì thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Bộ trưởng cho rằng, để đạt được mục tiêu chung của nền kinh tế, thì nhiệm vụ của ngành chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn. Năm 2025, chúng ta vừa phải phát triển nhanh, thiết lập nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, nhưng vẫn phải bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Để vượt qua những thách thức rất lớn, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, đòi hỏi không chỉ sự quyết liệt và hiệu quả trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà còn cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan đối tác trong khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế và sự đồng lòng chung sức của các thành viên thị trường để huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế.
“Trong thời gian tới, ngoài các giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề ra, Hội nghị ngày hôm nay có sự tham dự đầy đủ của các cơ quan quản lý đối tác là thành viên của Tiểu ban Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IOSCO, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, các thành viên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là cơ hội rất thuận lợi để chúng ta cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học quý báu trong quản lý, vận hành lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Hội nghị ngày hôm nay sẽ được lắng nghe những trao đổi, thảo luận của các diễn giả, của các chuyên gia tham gia vào phần thảo luận về hai chủ đề rất thiết thực hiện nay và cũng là thách thức đổi mới của các cơ quan quản lý chứng khoán đó là: thách thức trong quản lý tài sản số/tài sản ảo; và thúc đẩy công bố thông tin về phát triển bền vững và ESG trên thị trường chứng khoán.
* Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề này, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam và đại diện lãnh đạo của tiểu ban khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APRC), Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương thay mặt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ký Biên bản Ghi nhớ Đa phương về Giám sát của APRC (S-MMOU).
Đây là sự kiện nâng tầm quan hệ hợp tác về hoạt động giám sát thị trường chứng khoán giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các cơ quan quản lý thị trường các nước thành viên của APRC nói riêng và của IOSCO nói chung, cũng như nâng cao vị thế hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực.
Nguồn: https://nhandan.vn/phat-trien-thi-truong-chung-khoan-on-dinh-an-toan-lanh-manh-hieu-qua-ben-vung-hoi-nhap-post860981.html
Bình luận (0)