Phố đi bộ Hai Bà Trưng thưa khách so với lúc mới mở ra

Không như kỳ vọng

Về thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tôi bất ngờ khi thấy phố đi bộ đường Nguyễn Văn không còn đông đúc, mặc dù tuyến phố này khai trương chưa tới 1 năm và ở xa khu vực trung tâm thành phố. Phố đi bộ đường Nguyễn Văn được xem là nơi vui chơi về đêm hiếm hoi của điểm đến du lịch có vịnh Lăng Cô là vịnh đẹp thế giới. Ông Vương Đình Tuân, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô chia sẻ: “Do thời tiết không thuận lợi, từ mùa mưa năm 2024, hoạt động của phố đi bộ bị ảnh hưởng. Dự kiến đến đầu tháng 4/2025, mới khởi động lại”.

Sự khởi động lại của tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn cũng được dự báo sẽ còn nhiều nỗi lo, bởi theo đánh giá của chính quyền địa phương, mức độ hiệu quả từ lúc mới mở ra của tuyến phố đi bộ về đêm này không quá nổi bật. Theo ông Tuân, do vận hành chưa lâu, công tác quảng bá chưa mạnh nên người dân và khách du lịch vẫn chưa nắm rõ thông tin hoạt động của tuyến phố đi bộ này. Bên cạnh đó, tuyến phố đi bộ mới chỉ dừng lại ở hoạt động ăn uống, có các nhà hàng, một số gian hàng mua sắm đồ lưu niệm, trong khi chưa tổ chức được các hoạt động văn nghệ đường phố để tạo sức hút.

 Không gian phố đi bộ Hai Bà Trưng

Nếu phố đi bộ đường Nguyễn Văn được hình thành sau này và chưa được nhiều du khách biết đến thì cách đó vài chục ki-lô-met, chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) đã có một thời gian đủ lâu để du khách biết đến (từ năm 2019). Giai đoạn đầu, vào dịp cuối tuần, có rất đông người dân và du khách đến chợ đêm trải nghiệm. Thế nhưng, khi quay trở lại chợ đêm này vào đầu năm 2025, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy cảnh đìu hiu.

Tại “vùng lõi” của TP. Huế, nơi sự đầu tư cho các tuyến phố đi bộ, phố đêm lớn hơn và thuận lợi hơn, việc thu hút khách cũng là bài toán đầy trăn trở. Ngoại trừ tuyến phố đi bộ ở khu phố Tây (các tuyến đường Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão và Võ Thị Sáu) thì các phố đi bộ còn lại gặp phải tình trạng lúc mở ra chen chân không lọt, về sau lại thiếu khách, như phố đêm Hoàng Thành và mới nhất là phố đi bộ Hai Bà Trưng.

Chị Mai Thị Mỹ Duyên, du khách ở Quảng Ngãi chia sẻ: “Tôi đã từng trải nghiệm các phố đêm ở Huế, thực sự thấy còn đơn điệu và nghèo dịch vụ, không có khác biệt lớn so với các địa phương khác. Vẫn là phố đi bộ bày bán các gian hàng ẩm thực, thi thoảng có hoạt động nghệ thuật - giải trí. Nếu cứ na ná nhau, người đi du lịch tìm tới chỉ vì không có chỗ chơi, chứ thực sự không kích thích họ mong muốn trải nghiệm, khám phá”.

Một nghịch lý là Huế bị đánh giá vẫn còn rất thiếu sản phẩm du lịch đêm. Tuy nhiên, du khách lại không mặn mà và ít “chi tiền” ở các phố đêm, chợ đêm. Bà Nguyễn Lan Chi, du khách Hà Nội nói thẳng: “Tôi cầm tiền để tiêu ở phố đêm, nhưng thực sự không có gì đáng để mua. Hơn nữa, phố đêm nhưng chỉ hoạt động vào cuối tuần. Du khách đến giữa tuần, vẫn thiếu chỗ vui chơi về đêm”.

 Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn lúc còn thu hút khách

Thiếu tính đặc trưng, mở rồi cũng đóng”

Trò chuyện với nhiều du khách, tôi giật mình với đánh giá như một câu phán: “Thiếu tính đặc trưng, mở rồi cũng đóng”. Thực tế ở các phố đêm, phố đi bộ, chợ đêm ở Huế, hay như ở các địa phương bạn, chợt thấy rằng ít nhiều lời đánh giá ấy có cơ sở.

Lãnh đạo Phòng Quy hoạch và phát triển du lịch, Sở Du lịch trăn trở, các tuyến phố đi bộ, phố đêm, chợ đêm mở ra đều hướng đến mục đích tạo sản phẩm du lịch đêm, điểm nhấn vui chơi về đêm và trên thực tế ý tưởng, mục đích rất tốt, nhằm giải quyết mong muốn, nhu cầu của người dân, du khách. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thì lại là câu chuyện khác. Một phần, do tính ổn định kinh doanh không hiệu quả, một số người tham gia ở các phố đêm, chợ đêm không làm nữa dẫn đến thiếu dịch vụ. Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật dù có vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Sở dĩ, tuyến phố Tây duy trì hoạt động tốt vì kết nối được các điểm dịch vụ xung quanh, trong khi đó các phố đêm, phố đi bộ, chợ đêm khác vẫn chưa có sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Theo nhiều chuyên gia du lịch, mô hình phố đêm, chợ đêm phải thoát ra khỏi tư duy là “chợ ăn”, hàng lưu niệm mà phải làm kinh tế đêm một cách bài bản. Ngoài hoạt động thương mại, ẩm thực phải cho thấy những giá trị đặc trưng về văn hóa, phong tục, tập quán của một vùng đất. Đối với Huế, nơi chứa đựng nhiều di sản, nét độc đáo về ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, diễn xướng là những phong vị chính ở khu phố đêm nên khai thác.

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly trong một chia sẻ trên báo chí cũng cho rằng, muốn làm du lịch về đêm hiệu quả, nên nhìn sang những điểm đến đang hiệu quả ở Hàn Quốc, Nhật Bản; có giải pháp thu hút đầu tư, xã hội hóa để làm sản phẩm, thay đổi sản phẩm du lịch về đêm cho hấp dẫn hơn.

Thiếu sản phẩm du lịch đêm là bài toán trăn trở của Huế. Ngành du lịch đang nghiên cứu để phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng các phương án tổ chức các hoạt động về đêm. Rõ ràng, khi câu chuyện các phố đêm, chợ đêm hiện hữu mở ra “vừa thừa, vừa thiếu” thì cần sự nghiên cứu rất kỹ. Các mô hình mở ra phải thực sự đặc sắc, mang dấu ấn địa phương, bài bản và “đánh trúng” mong muốn của du khách.

Minh Tâm