Cơ sở sản xuất đồ gia dụng Tặng Nhung ở khu Trung Thuận 1 giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Từ hộ có đời sống kinh tế khó khăn phải đi làm thuê bươn chải khắp nơi, năm 2020, anh Phan Quang Tặng (ở khu Trung Thuận 1) đã quyết định nghỉ việc tại cơ sở sản xuất nhôm kính ở thủ đô Hà Nội để về quê xây dựng cơ nghiệp cho riêng mình. Với tư duy nhạy bén cùng 7 năm kinh nghiệm làm thuê nơi đất khách, anh Tặng quyết định đầu tư vốn xây dựng xưởng sản xuất đồ gia dụng bằng chất liệu Inox.
Đến thăm Cơ sở sản xuất đồ gia dụng Tặng Nhung do anh Tặng làm chủ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phong phú về mẫu mã, chất lượng của các sản phẩm Inox gia dụng. Anh Phan Quang Tặng chia sẻ: “Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng hiện nay rất ưa chuộng đồ gia dụng Inox, gia đình tôi đã dành toàn bộ số tiền tích cóp được và vay mượn thêm vốn để đầu tư xưởng sản xuất với quy mô khoảng 8 tỷ đồng.
Số vốn đầu tư lớn bởi chúng tôi phải lắp đặt hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại mới đáp ứng được quy trình sản xuất, chế tác Inox. Hiện cơ sở đã đưa ra thị trường khoảng 40 mẫu sản phẩm được chế tạo từ inox như kệ tủ bếp, bàn ghế, tủ giày dép... Mỗi năm, cơ sở cho ra đời trên 6.000 sản phẩm, xuất bán từ Bắc vào Nam, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng”.
Được biết, cơ sở sản xuất đồ gia dụng Tặng Nhung đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.
Cũng xuất phát điểm từ hộ nghèo của xã, tuy nhiên giờ đây mỗi khi nhắc đến anh Phan Quang Đại ở khu Trung Tiến 1, người dân quanh vùng đều ngợi khen cậu thanh niên sớm mồ côi cha đã trưởng thành, vươn lên làm kinh tế giỏi, xây dựng cơ ngơi khang trang. Từng phải rời quê để đi làm nhân viên phục vụ ở quán cơm nhiều năm, anh Đại luôn khao khát đến một ngày được làm chủ cơ sở sản xuất. Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về nghề làm cửa cuốn mang lại thu nhập ổn định, anh quyết định vào miền Nam học tập kinh nghiệm.
Từ nghề sản xuất cửa cuốn của anh Phan Quang Đại đã góp phần phát triển nghề sản xuất TTCN trên địa bàn xã.
Năm 2015, với kiến thức trong tay, anh Đại trở về quê lập nghiệp. Được sự hỗ trợ của anh em, bạn bè và vay vốn ngân hàng, anh đã đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng chuyên sản xuất cửa cuốn Đài Loan, cửa cuốn tấm liền Úc, cửa nan khe thoáng công nghệ Đức. Sản phẩm do cơ sở của anh sản xuất có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên đã tạo dựng uy tín trên thị thường.
Với bản tính siêng năng, cần cù, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, đến nay cơ sở sản xuất cửa cuốn của gia đình anh Đại thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương với thu nhập 8-13 triệu đồng/người/tháng.
Hoạt động sản xuất TTCN trên địa bàn xã Phú Khê hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: Sản xuất cơ khí, nghề mộc, dệt may,... với tổng số gần 90 cơ sở. Thời gian qua, nhằm tạo nguồn lao động ổn định, có tay nghề, công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho lao động được chính quyền địa phương quan tâm. Các xưởng sản xuất đồ mộc, may gia công, xưởng cơ khí hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 430 lao động, mang lại thu nhập ổn định, nhất là lao động nữ ở khu vực nông thôn.
Đồng chí Trần Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Phú Khê cho biết: “Để thúc đẩy lĩnh vực TTCN trên địa bàn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất TTCN, thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất; tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Hồng Nhung
Nguồn: https://baophutho.vn/phu-khe-day-manh-phat-trien-tieu-thu-cong-nghiep-230330.htm
Bình luận (0)