
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Buổi sân khấu hóa tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình do Hội LHPN huyện Tây Giang phối hợp Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện tổ chức vừa qua đã tạo hiệu ứng tích cực.
Thông qua những tiểu phẩm được xây dựng từ câu chuyện thật, nhiều góc cạnh về hành vi bạo lực gia đình được nhìn nhận thấu đáo. Như tiểu phẩm “Chuyện gia đình tôi” do xã Ga Ri dàn dựng có nội dung nói về sinh con một bề, chồng sa vào rượu chè bê tha, đánh đập, chửi bới vợ con. Đây là những tình tiết có thật, dễ bắt gặp ở các vùng quê, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiểu phẩm được ban tổ chức đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, giúp người xem cảm nhận về hậu quả của bạo lực gia đình, từ đó sớm có biện pháp tuyên truyền phòng ngừa và răn đe.

Bà Bling Thị Hon - Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ri cho hay, Ga Ri là xã vùng cao biên giới, địa hình phức tạp, đời sống đồng bào Cơ Tu nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế.
Vì thế, thời gian qua, cán bộ hội phụ nữ và cán bộ văn hóa xã thường xuyên phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng đến thôn, khu dân cư để tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
“Mới đây, trên địa bàn xã có 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Vụ việc nhanh chóng được xử lý kịp thời và có hình thức răn đe, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở mọi người dân không để trường hợp tương tự xảy ra” - bà Hon nói.
Theo bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, bạo lực giới, bạo lực gia đình chưa bao giờ là chuyện cũ đối với phụ nữ, nhất phụ nữ dân tộc thiểu số. Chính sự cam chịu của chị em vùng cao khiến nạn bạo hành gia đình tái diễn và không dễ gì xóa bỏ.
“Từ thực tế này, Hội LHPN huyện luôn tìm cách đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân và bạo lực gia đình theo hướng linh hoạt, trực quan sinh động bằng cả ngôn ngữ Cơ Tu và phổ thông để bà con dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm.
Ngoài ra, hội còn phối hợp các ngành liên quan đi đến tận khu dân cư, các thôn đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực” - bà Nem cho hay.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Tây Giang có 8/10 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Toàn huyện có khoảng 16 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm hơn 90%. Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
.jpg)
Tuy nhiên, nhận thức của đồng bào về pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế. Hình thức sân khấu hóa trong công tác tuyên truyền dễ đi vào lòng người, mang lại hiệu quả tích cực, đồng thời nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Để nâng cao hiệu quả phương cách tuyên truyền này, Hội LHPN huyện đã liên tục phát lại các tiểu phẩm trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube hay trình chiếu trong các buổi tuyên truyền.
Cùng với hình thức sân khấu hóa, việc nâng cao kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ được chú trọng. Địa phương đã triển khai các lớp tập huấn kỹ năng phát hiện, hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình để giúp các hội viên phụ nữ nắm bắt các giải pháp thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn phối hợp với các trường THCS trên địa bàn tổ chức tọa đàm “Điều con muốn nói” để nhà trường, phụ huynh, học sinh cùng trao đổi, đặt ra các câu hỏi liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua Hội LHPN huyện đã có nhiều hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, số vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình có giảm.
“Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ngoài nỗ lực của Hội LHPN huyện, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thông chính trị, xã hội, không thể chỉ một ngành, một tổ chức nào đó triển khai đơn độc, phải có sự đồng nhất thực hiện từ huyện đến cơ sở và người dân, lúc đó mới có hiệu quả tốt nhất” - ông Blúi nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/phu-nu-tay-giang-ngan-chan-bao-luc-gia-dinh-3152072.html
Bình luận (0)