Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phụ nữ xã Tà Long biết cách làm kinh tế từ khai thác bản sắc văn hóa dân tộc

Với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, phong phú và độc đáo tạo nên cho vùng đất Tà Long, huyện Đakrông nét đẹp riêng có giữa núi rừng hoang sơ. Đây là tiềm năng mà những phụ nữ nơi đây đã nhận ra để có những cách khai thác độc đáo, hình thành các sản phẩm, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, mang lại lợi ích trong hỗ trợ người dân nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây nói riêng phát triển kinh tế.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị23/05/2025

Phụ nữ xã Tà Long biết cách làm kinh tế từ khai thác bản sắc văn hóa dân tộc

Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống -Ảnh: T.C.L

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả cũng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để các DTTS phát triển KT-XH. Nhờ đó, những năm qua xã Tà Long đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt.

Cùng với những thành quả đạt được đó, vai trò và vị trí của hội viên phụ nữ (HVPN) cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Dự án 8 triển khai đã lồng ghép, phối hợp với Dự án 6 “Bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025 đạt những kết quả đáng kể, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của những người phụ nữ chốn rừng xanh này vốn quen với nương rẫy giờ biết phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa và kết hợp ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, không chỉ góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS, mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho phụ nữ vốn xưa nay sống phụ thuộc vào chồng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương cho biết: Bản thân tôi đã có nhiều hoạt động thiết thực như: vận động chị em tham gia bảo tồn lễ hội truyền thống, xây dựng các mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm duy trì, phát triển các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy văn hóa truyền thống và phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng; định kỳ tổ chức hoạt động văn hóa, từ đó đã tạo điều kiện và thu hút được đông đảo HVPN tham gia...

Từ việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống trong lao động như: xúc cá, nông nghiệp, hay các phong tục làm ra các món ăn đặc sắc để tạo ra các sản phẩm hàng hoá như: cheo cá, nếp than, các món bánh truyền thống... không chỉ duy trì văn hóa dân tộc đặc sắc còn giúp chị em làm quen với thị trường, dần hình thành hoạt động buôn bán sản phẩm.

Đặc biệt từ những nét đẹp truyền thống chị em đã tìm tòi học hỏi các giải pháp để hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái thông qua hoạt động của Tổ hợp tác du lịch suối A Lao, suối Pa Cha từng bước giới thiệu, thu hút khách du lịch, tạo việc làm thời vụ cho hơn 20 phụ nữ dân tộc Vân Kiều.

Xuất phát từ mô hình “Tour du lịch trải nghiệm 199k” tại khu du lịch trải nghiệm suối A Lao, xã Tà Long đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu ý tưởng khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và được hỗ trợ triển khai hiện thực hóa năm 2019, đến nay sau 5 năm, mô hình đã được phát triển thành tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao với 20 thành viên tham gia, được HVPN thôn Tà Lao, xã Tà Long duy trì và phát triển.

Ngoài ra, chị em cũng đã nỗ lực tìm tòi để giới thiệu, quảng bá nét đẹp của trang phục thổ cẩm của đồng bào Vân Kiều đến với rất nhiều người cũng như các địa phương trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài. Qua đó, không chỉ tạo việc làm cho thợ may mà còn tạo thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được triển khai đồng bộ, hài hòa giữa các dân tộc; được hỗ trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được phát huy, các hủ tục được ngăn chặn, kiềm chế, từng bước đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ.

Đồng bào các dân tộc đã tích cực, chủ động tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, KT-XH phát triển, trình độ học vấn và dân trí được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo, bình đẳng giới và đại đoàn kết dân tộc được thực hiện... góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của HVPN, bởi phụ nữ các dân tộc là lực lượng chính trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Để công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế tốt hơn nữa, thời gian tới, xã Tà Long nói riêng và vùng đồng bào DTTS&MN nói chung tập trung thực hiện tốt một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động.

Đó là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ nói riêng về các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Từ đó có ý thức tự bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục cho thế hệ trẻ. Tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, liên hoan văn hóa văn nghệ, học tập kinh nghiệm giữa CLB sinh hoạt văn hóa văn nghệ, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các dân tộc...

Xây dựng các mô hình cụ thể tại các chi hội thực hiện các cuộc vận động, các chương trình, đề án có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong kết hợp phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực như: nghề truyền thống, ẩm thực dân gian... Tăng cường công tác quảng bá các mô hình, hình ảnh, các gương điển hình tiên tiến của phụ nữ trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch...

Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở và phát huy vai trò của người có uy tín, các cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các nội dung sinh hoạt cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Tạo điều kiện cho hội phụ nữ xây dựng kế hoạch hoạt động có tích hợp các nội dung kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa trong điều kiện hiện nay.

Trần Cát Linh

Nguồn: https://baoquangtri.vn/phu-nu-xa-ta-long-biet-cach-lam-kinh-te-tu-khai-thac-ban-sac-van-hoa-dan-toc-193851.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm