Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Phù thủy sân khấu' Thành Lộc và Đồng ấu Bạch Long

NSƯT Thành Lộc và NSƯT Bạch Long cùng là thế hệ thứ năm của gia tộc Thành Tôn, nhưng "lấn sân" sang kịch nói và làm nên những thành công mới.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên25/07/2025

THÀNH LỘC - CÁI TÊN BÁN VÉ CỦA SÂN KHẤU KỊCH

Thành Lộc có thể nói rất đa năng. Anh tiếp thu kiến thức và nghệ thuật hát bội - cải lương từ cha mẹ, nhưng từ nhỏ (trước 1975) lại đi học múa, đặc biệt học cả ballet, tham gia sinh hoạt biểu diễn trong đội múa Nhà Thiếu nhi TP lẫn ban kịch thiếu nhi của Đài truyền hình Sài Gòn. Anh còn tham gia đóng một số phim điện ảnh với vai nhí dễ thương.

'Phù thủy sân khấu' Thành Lộc và Đồng ấu Bạch Long- Ảnh 1.

NSƯT Bạch Long xuất hiện trong một chương trình truyền hình

Ảnh: T.L

Năm 1982, Thành Lộc tốt nghiệp Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, rồi đầu quân cho đoàn kịch Tuổi Trẻ TP.HCM. Năm 1983, anh tham gia CLB Kịch thể nghiệm TP.HCM, chính là Nhà hát Sân khấu nhỏ, hoặc sân khấu 5B sau này, làm nên những thành công vang dội. Có thể nói 5B đã đặt nền móng cho cả một thế hệ nghệ sĩ kịch rất giỏi như Hồng Vân, Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Đào, Minh Trang, Quốc Thảo, Ái Như, Khánh Hoàng, Minh Phượng, Hoa Hạ, Phương Linh, Hữu Châu, Thanh Hoàng, Kim Xuân, Thanh Thủy… Tại nơi đây Thành Lộc đã có những vai diễn tuyệt đẹp như ông Tư (Dạ cổ hoài lang), Chu Xung (Lôi Vũ), người chồng đồng tính (Tiếng chim vườn ngọc lan), Ignacio (Trong hào quang bóng tối), Eji (Một cuộc đời bị đánh cắp)… Thật sự đó là những vai vừa thấy sự nghiêm khắc, khó tính của Thành Lộc nhưng lại thấy ung dung, sang trọng, những bước khởi đầu sự nghiệp đẹp vô cùng.

Năm 1997 Thành Lộc chuyển về sân khấu IDECAF, làm nên những thành công mới khi tuổi đời lẫn tuổi nghề bước vào độ chín nhất. Ở đây anh tha hồ tung hoành trong nhiều vai trò, ca, múa, diễn, dựng, kể cả làm giám đốc nghệ thuật, và thăng hoa trong rất nhiều loại vở, bi, hài, lịch sử, dã sử, hiện đại, cổ trang, thiếu nhi… Từ đó người ta đặt cho anh biệt danh "phù thủy sân khấu". Hầu như Thành Lộc bung hết sức sống đẹp nhất của mình vào sân khấu này. Khán giả ấn tượng với Hưng (Tin ở hoa hồng), bác sĩ Thịnh (Hạnh phúc trên đồi hoa máu), ông đạo diễn (Những con ma nhà hát), thái giám Tạ Thanh (Bí mật vườn Lệ Chi), vua Lê Thánh Tôn (Vua thánh triều Lê), cụ Đồ Chiểu (Tiên Nga), người đàn ông (Gươm lạc giữa rừng hoa), ông Tư Chơn (Tía ơi má dìa)… Còn nói về kịch thiếu nhi thì khó mà kể hết vì Thành Lộc luôn giữ vị trí trung tâm trong các vở, được các em thiếu nhi yêu mến.

Năm 2023, Thành Lộc về hẳn sân khấu Thiên Đăng, tiếp tục vai trò diễn, dựng, và cũng để lại những ấn tượng đẹp, như vai Lĩnh Nam (Giáng Hương), Lê Thành Cang (Duyên thệ), nhà thơ (Chuyến đò định mệnh)… Thành Lộc biến hóa suốt mấy chục năm không hề mỏi mệt, cứ lên sân khấu là anh trút hết ruột gan và sức lực, cứ như con tằm nhả hết tơ cho đời.

BẠCH LONG NỐI TIẾP LỚP ĐỒNG ẤU

NSƯT Bạch Long là anh ruột của Thành Lộc, có công lớn bởi thành lập nhóm Đồng ấu Bạch Long đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ diễn viên.

'Phù thủy sân khấu' Thành Lộc và Đồng ấu Bạch Long- Ảnh 2.

NSƯT Thành Lộc và Lê Khánh trong vở Giáng Hương

ẢNH: H.K

Thật ra ngày xưa ông Minh Tơ đã từng thành lập lớp đồng ấu Minh Tơ để dạy nghề cho con em nghệ sĩ trong lẫn ngoài đoàn. Bạch Long cũng lớn lên từ cái nôi đó. Khi ông Minh Tơ qua đời, Bạch Long nối tiếp tâm huyết của ông, mở luôn đoàn Đồng ấu Bạch Long để đào tạo lớp trẻ. Đoàn đóng đô luôn trong đình Cầu Quan (TP.HCM) nơi Bạch Long vẫn sinh sống khi trưởng thành, và ngày ngày vang tiếng ca hát của thầy trò thật vui nhộn. Bạch Long dạy mà không lấy tiền công đồng nào, cứ chạy show mà sống và đem tiền về lo cho tụi nhỏ. Biết bao gương mặt thành danh hôm nay đều từ đó mà ra, như Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Xuân Trúc, Chinh Nhân, Bình Tinh, Thanh Thảo, Vũ Luân, Linh Tý…

Thập niên 1990, đoàn đã nổi tiếng, được mời đi diễn nhiều nơi kể cả đài truyền hình. Có những năm, đoàn đi diễn cả 7 ngày trong tuần, ngày cuối tuần đến 2 - 3 suất. Thù lao nhận được cũng giúp Bạch Long có vốn để may sắm trang phục và cho tụi nhỏ ăn uống, chứ thật sự anh không hề lấy thứ gì. Sau này, Bạch Long không sống trong đình Cầu Quan nữa nhưng anh vẫn tiếp tục đào tạo thế hệ mới. Tâm huyết đó được mọi người công nhận và yêu mến. Bạch Long nói: "Tôi cố gắng giữ truyền thống cải lương của hai gia tộc Minh Tơ (bên mẹ) và Thành Tôn (bên cha) được chút nào hay chút ấy". Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cũng đầu tư cho Bạch Long dựng và diễn một số vở cải lương với dàn học trò của mình.

Bạch Long cũng chuyển sang diễn kịch vì anh có duyên hài rất dễ thương. Hầu như vở thiếu nhi nào của IDECAF cũng có mặt Bạch Long, với thân hình tròn trĩnh đáng yêu anh xuất hiện đa số trong vai ngây thơ, vui nhộn, hồn nhiên. Bạch Long có gương mặt và tánh tình phúc hậu, thiện lành, nên anh chỉ cần thể hiện đúng chất của mình là được khán giả thương rồi. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/phu-thuy-san-khau-thanh-loc-va-dong-au-bach-long-185250725222425243.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm