
Khắc phục trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan thanh tra
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên quan điểm nhằm phục vụ quá trình sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.
Đồng thời, cụ thể hoá chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp; giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương và 64 điều. Trong đó, kế thừa quy định của 30 điều trong luật hiện hành về: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.... vì các quy định này của Luật Thanh tra năm 2022 không bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và còn phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật cũng lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, dự thảo Luật cũng sửa đổi, hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra và hoàn thiện khái niệm “thanh tra”. Trong đó, Điều 7 của dự thảo Luật quy định các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; quy định cụ thể về Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho biết, Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật quy định khái niệm thanh tra cơ bản kế thừa Luật Thanh tra hiện hành (khoản 1 Điều 2), tuy nhiên không quy định “hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành”, đồng thời, trong các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật cũng không đề cập tới 2 loại hoạt động thanh tra này.
Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị làm rõ: trong nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sau sắp xếp có tiếp tục giữ 2 loại hoạt động thanh tra nói trên hay không? Nếu không còn hoạt động thanh tra chuyên ngành thì có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không? Nếu vẫn duy trì hoạt động thanh tra chuyên ngành thì việc tiến hành 2 loại hoạt động thanh tra này theo cùng một trình tự, thủ tục có phù hợp, khả thi không? Thanh tra Chính phủ có thực hiện thanh tra chuyên ngành không?
“Đây là những vấn đề quan trọng cần làm rõ, thống nhất về nhận thức để làm cơ sở cho việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan thanh tra cũng như trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị.
Cần quy định rõ nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sau sắp xếp
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, dự án Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Kết luận số 134-KL/TW, ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đã quán triệt thực hiện nghiêm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để xây dựng dự thảo Luật có chất lượng, ngắn gọn, còn 64 điều, giảm 54% tổng số điều so với Luật hiện hành.

Cơ bản tán thành với các nội dung chính của dự thảo Luật do Chính phủ đề xuất, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tán thành với đề nghị của một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ trong nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sau sắp xếp có tiếp tục giữ 2 loại hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hay không?
Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý, dù dự thảo Luật không quy định rõ có còn 2 loại hoạt động thanh tra này sau khi sắp xếp các cơ quan thanh tra, nhưng tại các luật chuyên ngành vẫn quy định về thanh tra viên phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đó. Thực tế, tại dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Chín tới cũng quy định về thanh tra an toàn bức xạ hạt nhân.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, khẩn trương của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng chương trình đề ra. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đã rất trách nhiệm, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo để thẩm tra dự án Luật, bảo đảm chất lượng, kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra và ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trước khi bước vào Kỳ họp thứ Chín dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 5.5 tới. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở dự thảo Luật mới của Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội theo đúng quy định.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/phuc-vu-hieu-qua-cong-tac-sap-xep-he-thong-co-quan-thanh-tra-post411538.html
Bình luận (0)