Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quan tâm, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Các cấp Hội Nông dân thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng hành hội viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật và kết nối vốn vay ưu đãi. Nhờ đó, nhiều hội viên không chỉ cải thiện thu nhập mà còn tích cực tham gia tổ chức hội, đóng góp vào sự phát triển của phong trào nông dân trên địa bàn.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng14/05/2025

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết (thứ hai, bên phải sang) thăm mô hình nuôi sâu canxi tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC QUỐC 

Phong trào làm nông nghiệp xanh trên sân thượng dẫn trở thành xu thế tất yếu khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, góp phần mang lại nguồn thực phẩm sạch, an toàn, tạo không gian xanh cho gia đình và bảo vệ môi trường. Ông Lê Quang Trung (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) sau khi về hưu đầu tư hơn 10 triệu đồng làm hệ thống tưới tự động để trồng rau, cây ăn quả trên sân thượng. Ngoài sử dụng trong gia đình, ông Trung bán cho người dân trên địa bàn với giá 35.000-50.000 đồng/kg. Tương tự, ông Phạm Thanh Long (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) tận dụng 100m2 sân thượng trồng vườn rau, cây ăn quả. Ông được Hội Nông dân phường hướng dẫn cách làm phân hữu cơ vi sinh để bón, giúp cây phát triển tốt, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Nguyễn Kim Dũng, hiện nay, việc phát triển nông nghiệp trên sân thượng lan tỏa đến nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Để hỗ trợ hội viên, hội phối hợp Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố tập huấn trồng rau, cây cảnh, tặng cây giống, phân bón, hỗ trợ làm giàn, hệ thống tưới. Thời gian tới, hội tiếp tục khuyến khích mô hình trên, tiến tới hình thành các chi tổ hội nông nghiệp rau xanh.

Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả được Hội Nông dân quận Cẩm Lệ hỗ trợ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên. Tiêu biểu là anh Đào Huy Tùng (phường Hòa Thọ Tây) với mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao. Trước đây, anh gặp khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Từ khi tham gia hội, anh được hỗ trợ mượn 700m² đất, vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, tham gia tập huấn kỹ thuật trồng và được kết nối đầu ra. Nhờ đó, mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng. Năm 2022, anh thành lập Hợp tác xã Nấm công nghệ Hòa Thọ Tây với 7 thành viên, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, mô hình trồng rau thủy canh của ông Hồ Như Liệu (phường Hòa Phát) là điển hình trong phát triển nông nghiệp đô thị tại quận Cẩm Lệ. Xuất thân từ gia đình khó khăn, sau khi xuất khẩu lao động và tích lũy kinh nghiệm, ông về nước đầu tư mô hình trồng rau thủy canh trên 300m² đất. Sản phẩm rau sạch của ông nhanh chóng được người dân, các chợ và cửa hàng nông sản tin dùng. Khi mở rộng sản xuất, ông gặp khó khăn về đất và vốn, nhưng được hội hỗ trợ mượn 1.200m² đất, vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật và kết nối đầu ra. Hiện mỗi ngày ông thu hoạch trên 2 tạ rau, doanh thu 6 triệu đồng.

Theo Hội Nông dân quận Cẩm Lệ, trung bình mỗi năm, quận có hơn 600 hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, hội có vai trò quan trọng trong việc đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phấn đấu vươn lên. Ngoài công tác tư vấn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, hội đẩy mạnh tập huấn, nâng cao năng lực đối với các chi tổ hội nghề và hội viên nông dân. Đặc biệt, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, giúp hội viên nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ, góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Năm 2024, các cấp hội thành lập 5 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác, 50 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 24 chi hội nông dân nghề nghiệp; tổ chức hơn 100 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 4.838 người, giúp hội viên liên kết phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương. Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết, để hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế, hội phối hợp các đơn vị đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích hội viên phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, hội tăng cường hỗ trợ hội viên vay vốn, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ qua các kênh trực tiếp và thương mại điện tử. Đặc biệt, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ hội cơ sở tiếp tục được quan tâm, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, thật sự là chỗ dựa tin cậy của nông dân.

NGỌC QUỐC

Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/quan-tam-ho-tro-nong-dan-phat-trien-kinh-te-4006420/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm