(QBĐT) - Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, tinh thần hướng về đất Tổ tại Quảng Bình lại được thể hiện rõ qua nhiều hoạt động ý nghĩa. Mỗi hoạt động, mỗi câu chuyện đều góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gắn kết tâm thức hướng về cội nguồn trong lòng người dân Quảng Bình.
“Điểm hẹn” hướng về đất Tổ
Cùng với nhân dân cả nước, mỗi năm khi tháng ba về, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về đất Tổ Hùng Vương. Đặc biệt, vào ngày 10/3 âm lịch, tại Nhà Truyền thống Cây Đa-Chùa Ông, TP. Đồng Hới long trọng tổ chức các hoạt động tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo người dân thành phố, du khách tham dự.
Với niềm tôn kính thiêng liêng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, TP. Đồng Hới, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thành phố thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân công ơn dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng và các thế hệ tiền nhân.
|
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Đồng Hới Lê Thị Thu Cúc cho biết, sau phần dâng hương, lễ vật tưởng nhớ Quốc Tổ Hùng Vương, nhiều hoạt động văn hóa, thể dục diễn ra sôi nổi với các tiết mục biểu diễn văn nghệ, võ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, triển lãm ảnh “Đồng Hới xưa và nay”. Các hoạt động được lồng ghép trong Tuần Văn hóa-Du lịch hàng năm của thành phố tạo thêm điểm nhấn, ấn tượng trong lòng du khách bốn phương; tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân thành phố; góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và càng gắn bó sâu nặng với quê hương, Tổ quốc.
Hướng về đất Tổ, trong dịp này, nhiều trường học trên địa bàn TP. Đồng Hới nói riêng, toàn tỉnh cũng đã có các hoạt động, như: Tọa đàm, tổ chức cho học sinh tự trang trí mâm ngũ quả, làm bánh chưng, bánh dày... nhằm giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” để các em ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cá nhân với cội nguồn lịch sử, với quê hương, đất nước; khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Hương Trà
Hướng về đất Tổ, gắn kết tình đồng hương
Mỗi năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, giữa nhịp sống bộn bề nơi đất khách, những người con Vĩnh Phú (hiện nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xa quê lại nặng lòng nhớ về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Dù đang mưu sinh ở miền đất nào, họ vẫn luôn nhớ về nguồn cội, về vùng đất Tổ linh thiêng nơi các Vua Hùng đã dựng nước. Với Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình cũng vậy. Dù cách xa quê hương hàng trăm cây số, họ vẫn cùng nhau tổ chức các hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn cội. Với họ, ngày giỗ Tổ không chỉ là một ngày lễ, mà còn là sợi dây gắn kết bao thế hệ con cháu Lạc Hồng với tổ tiên, với những giá trị thiêng liêng của dân tộc.
Anh Lê Đức Thành, Phó ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Quảng Bình cho biết: Tròn 29 năm thành lập, hội quy tụ gần 200 hội viên từ già đến trẻ với mục đích gặp gỡ, giao lưu, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, động viên nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Và hàng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, hội cùng nhau tổ chức ngày giỗ Tổ để dâng hương, báo công với các Vua Hùng những kết quả đạt được sau một năm nỗ lực.
|
“Bao giờ cũng vậy, hoạt động ý nghĩa đầu tiên mà chúng tôi tổ chức là cùng nhau chuẩn bị hoa quả, nhang đèn, bánh chưng, bánh dày để thắp hương tại Cây Đa-Chùa Ông (TP. Đồng Hới), nơi đang thờ đất, nước và bình hương, vốn là những kỷ vật được rước từ Đền Hùng về từ năm 2002. Thành kính dâng nén tâm hương cho Quốc Tổ Vua Hùng, chúng tôi cùng nhau ôn lại truyền thống, lịch sử dựng nước của các Vua Hùng, cùng tưởng nhớ cội nguồn để tri ân công đức tổ tiên, những bậc tiền nhân đã có công khai nền lập quốc và động viên nhau phát triển kinh tế, giữ vững tình đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng quê hương mới ngày càng phát triển, xứng đáng là người con đất Tổ”, anh Thành chia sẻ.
Sau hoạt động dâng hương tại Cây Đa-Chùa Ông, những người con phương Bắc đang sinh sống, học tập và làm việc tại mảnh đất Quảng Bình gió Lào, cát trắng lại tề tựu, gặp mặt để cùng nhau ôn lại ký ức tuổi thơ, kỷ niệm về quê hương và những câu chuyện về hành trình lập nghiệp trên đất Quảng Bình. Với họ, đây là một dịp đặc biệt, là cơ hội gắn kết tình đồng hương, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Xa quê trong ngày giỗ Tổ, lòng ai cũng nao nao. Họ luôn mong được trở về, được đứng trước Đền Hùng, lặng lẽ dâng một nén hương, thì thầm một lời nguyện cầu. Dù mỗi người có một cuộc sống riêng, một hướng đi khác nhau, nhưng vào ngày giỗ Tổ, tất cả đều chung một lòng thành kính, hướng về đất Tổ. Họ không chỉ giữ gìn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần truyền lại cho thế hệ sau, để những giá trị quý báu của dân tộc không bao giờ mai một.
Tâm An
Xứng danh con cháu các Vua Hùng
Đinh Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh
Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10/3 âm lịch) từ lâu đã trở thành ngày lễ lớn ở nước ta. Đây là dịp để người dân Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Quảng Bình nói riêng thể hiện tình cảm sâu đậm trước công lao dựng nước, giữ nước to lớn của các Vua Hùng và các thế hệ ông cha đi trước.
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Tỉnh đoàn Quảng Bình sẽ tổ chức “Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Quảng Bình lần thứ IX, năm 2025” để tuyên dương thành tích 84 đại biểu là đội viên, thiếu nhi xuất sắc tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tích cực tham gia công tác Đội giai đoạn 2020-2025. Trong chuỗi hoạt động này, đại biểu sẽ được tham quan, dâng hương, báo công tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn, khánh thành công trình măng non, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, trải nghiệm sáng tạo.
|
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đã tập trung tuyên truyền ý nghĩa của ngày lễ; đẩy mạnh phong trào thi đua đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đóng góp 20.000 ngày công xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình chính sách và người dân; đảm nhận xây dựng 100 ngôi nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số...
Để xứng danh là con cháu của các Vua Hùng, trước đó, tuổi trẻ Quảng Bình cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Từ năm 2024 đến nay, Tỉnh đoàn đã tập trung giáo dục chính trị, tư tưởng trong ĐVTN; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi. Trong năm, cả tỉnh có trên 47.000 lượt thanh thiếu nhi tham gia hành trình về nguồn. Lực lượng ĐVTN đã tặng gần 3.500 suất quà với tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công...
Phong trào tuổi trẻ bảo vệ môi trường, hoạt động tình nguyện, xung kích bảo vệ Tổ quốc được triển khai hiệu quả. Phát huy truyền thống yêu nước, dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng và thế hệ ông cha đi trước, từ năm 2024 đến nay đã có hàng nghìn thanh niên trong tỉnh lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc…
Những kết quả đạt được trong thời gian qua, tuổi trẻ Quảng Bình xin được kính dâng, tưởng nhớ các Vua Hùng với lòng biết ơn vô hạn. Tuổi trẻ Quảng Bình nguyện ra sức học tập, rèn luyện, làm việc để cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho đất nước, xứng đáng là con cháu của các Vua Hùng và các thế hệ ông cha đã không tiếc máu xương cho đất nước được độc lập, tự do như hôm nay…
Xuân Vương (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/quang-binh-huong-ve-dat-to-2225447/
Bình luận (0)