Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trong Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Mảnh đất của ký ức và khát vọng
Nằm ở khúc ruột miền Trung đầy nắng gió, Quảng Trị được mệnh danh là “bảo tàng sống” về di tích lịch sử chiến tranh của Việt Nam. Với diện tích chỉ hơn 4.700 km², tỉnh hiện có trên 500 di tích và cụm di tích lịch sử cách mạng, phản ánh chiều sâu lịch sử và những mất mát lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Những địa danh như Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường 9 - Khe Sanh, địa đạo Vịnh Mốc, hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn… đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, khát khao độc lập và hòa bình của dân tộc. Không chỉ là dấu tích, các di tích này còn là biểu tượng tinh thần quật cường, nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Xác định đây là những tiềm năng quý, Quảng Trị xác định hướng đi mang bản sắc riêng cho phát triển du lịch. Đó là phát triển du lịch lịch sử - văn hóa gắn kết với thông điệp “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”. Du khách đến đây không đơn thuần để tham quan, mà để lắng nghe, cảm nhận, tri ân và sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc.
Toàn cảnh Thành Cổ Quảng Trị nhìn từ hướng sông Thạch Hãn. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Theo ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, những năm gần đây, du lịch Quảng Trị đã có những bước chuyển tích cực. Năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 3 triệu lượt khách, tăng gần 49% so với năm trước; trong đó có 168.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Các địa điểm gắn kết với lịch sử luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về lượt khách tham quan. Riêng dịp lễ 30/4 - 1/5/2025, Quảng Trị đã đón hơn 155.000 lượt khách; trong đó, khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đón trên 5.000 lượt, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy sức hút ngày càng lớn của vùng đất này.
Chị Nguyễn Thanh Trang (Hà Nội), chia sẻ sau khi dự Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại cầu Hiền Lương năm 2025: “Tôi đã từng đến nhiều vùng đất lịch sử, nhưng Quảng Trị mang đến cho tôi cảm xúc đặc biệt, thiêng liêng. Khi đi đứng bên cầu Hiền Lương - biểu tượng chia cắt và thống nhất đất nước, hòa mình vào bài hát quốc ca trong Lễ thượng cờ, tôi thấy như mình đang sống trong một phần lịch sử oai hùng của dân tộc”.
Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải dịp Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”. Ảnh tư liệu: Thống Nhất/TTXVN
Tăng đầu tư, lan tỏa giá trị hòa bình
Một điểm đặc biệt của du lịch Quảng Trị là khả năng khai thác giá trị di tích lịch sử và tâm linh. Những nghĩa trang liệt sỹ, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ anh dũng hy sinh, là nơi tưởng niệm, “địa chỉ đỏ” trong các hành trình về nguồn, du lịch tri ân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Hành trình đến Quảng Trị không chỉ là một chuyến du lịch mà còn hành trình tri ân, là một trải nghiệm. Bước chân vào Thành cổ Quảng Trị, đi qua cầu Hiền Lương, hay khám phá lòng đất tại địa đạo Vịnh Mốc, mỗi du khách đều có thể cảm nhận được sự hy sinh, lòng quả cảm của cha ông, từ đó thêm trân trọng giá trị của hòa bình.
Để thu hút du khách, bên cạnh khai thác các điểm tham quan đơn lẻ, tỉnh còn xây dựng những tuyến du lịch chuyên đề như “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường Di sản miền Trung”..., tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch liên kết vùng, có chiều sâu lịch sử và văn hóa.
Du khách đến thăm Thành cổ Quảng Trị trong dịp nghỉ lễ 30/4. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Một điểm sáng trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Trị là đầu tư về lịch sử văn hóa có chiều sâu. Năm 2024, tỉnh tổ chức Lễ hội Vì hòa bình với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức quy mô quốc gia, qua đó, Quảng Trị kỳ vọng xây dựng hình ảnh là biểu tượng của hòa bình, đồng thời quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh ra cả nước và thế giới.
Tỉnh đang xúc tiến xây dựng Bảo tàng quốc gia “Ký ức chiến tranh và khát hòa bình”, với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2026 - 2030. Bảo tàng này là nơi lưu giữ ký ức chiến tranh mà còn là công trình văn hóa, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.
Thời gian tới, Quảng Trị sẽ nâng cao Lễ hội Vì hòa bình thành lễ hội cấp quốc gia, đồng thời đầu tư phát triển thêm các thương hiệu di tích khác như địa đạo Vịnh Mốc, hệ thống giếng cổ Gio An... Đây là những địa chỉ không những mang lại giá trị lịch sử mà vẫn còn có tiềm năng để phát triển thành điểm đến hấp dẫn.
Bên cạnh đó, hai dự án bảo tồn di tích trọng điểm theo Quyết định 1230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được Quảng Trị triển khai, gồm: Công viên Thống nhất tại khu di tích bờ đôi Hiền Lương - Bến Hải và khu di tích Thành cổ Quảng Trị cùng các điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày/đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Du khách tham quan cầu Hiền Lương thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong ánh sáng lung linh, huyền ảo. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Theo ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh bảo tồn, phát huy tốt giá trị di tích lịch sử, Quảng Trị cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, dịch vụ lưu trú chất lượng cao, đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc địa phương. Đặc biệt, việc đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... và mở rộng kết nối quốc tế qua Hành lang Kinh tế Đông - Tây sẽ góp phần tăng sức mạnh chuỗi giá trị du lịch miền Trung.
Quảng Trị đang dần biến quá khứ đau thương thành nguồn lực phát triển, từng bước khẳng định vị trí không chỉ là vùng đất lịch sử chiến tranh mà còn là điểm đến của hòa bình và khát vọng tương lai.
Nguồn: TTXVN
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/quang-tri-phat-trien-du-lich-ben-vung-tu-ky-uc-chien-tranh-khat-vong-hoa-binh-20250507092115735.htm
Bình luận (0)