Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh (15/4/1965-15/4/2025), P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Rơ Mah Tuân-Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh về những thành tích mà đơn vị đạt được cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trao đổi với người có uy tín ở khu vực biên giới (ảnh đơn vị cung cấp).
* P.V: Đại tá có thể khái quát những thành tích mà lực lượng BĐBP tỉnh đã đạt được trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành?
Đại tá Rơ Mah Tuân (ảnh đơn vị cung cấp).- Đại tá Rơ Mah Tuân: Để xây dựng và phát triển lực lượng An ninh vũ trang phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam nói chung, Mặt trận Tây Nguyên (B3) nói riêng, ngày 15-4-1965, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP) đã điều động một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm từ các tỉnh phía Bắc vào chi viện cho tỉnh Gia Lai. Đây là căn cứ quan trọng để Bộ Tư lệnh BĐBP quyết định công nhận ngày 15-4 hàng năm là Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Gia Lai.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Gia Lai về việc xây dựng lực lượng chuẩn bị đánh Mỹ, khoảng giữa tháng 7-1965, Ban An ninh tỉnh tiến hành củng cố, sắp xếp lại lực lượng, thành lập Tiểu ban An ninh vũ trang gọi tắt là B8, cùng với đó là kiện toàn Ban An ninh ở các khu và thành lập 2 đội an ninh vũ trang ở Khu 8 (thị xã An Khê ngày nay) và Khu 9 (TP. Pleiku ngày nay). Như vậy, về hệ thống tổ chức, đến tháng 7-1965, lực lượng An ninh vũ trang Gia Lai đã được tổ chức đồng bộ ở cả 3 cấp. Cụ thể, ở tỉnh có Tiểu ban An ninh vũ trang (thuộc Ban An ninh tỉnh) và Đại đội An ninh vũ trang làm công tác bảo vệ; ở các khu có cán bộ phụ trách diệt ác, trừ gian; Khu 8 và Khu 9 có Đội Trinh sát vũ trang an ninh.
Ngay sau khi được kiện toàn, lực lượng An ninh vũ trang Gia Lai đã bám sát địa bàn, dựa vào quần chúng nhân dân, dũng cảm, linh hoạt, táo bạo, bất ngờ tiến hành các hoạt động diệt ác, trừ gian, giữ dân, phá kìm, giành quyền làm chủ, góp phần cùng quân và dân cả nước làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù. Trong 10 năm kể từ khi thành lập, lực lượng An ninh vũ trang Gia Lai đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 562 tên địch, làm bị thương 314 tên, bắt sống 211 tên, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất nhưng mầm họa xâm lăng và những mưu đồ chống phá cách mạng thời hậu chiến vẫn hiện hữu trên khắp các địa bàn từ biên giới vào nội địa. Trên biên giới, tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ liên tục có những hành động gây hấn, tập kích, lấn chiếm, sát hại thường dân vô tội, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Cùng với đó, ở khắp các địa bàn, đám tàn quân ngụy quân, ngụy quyền và bọn phản động FULRO được sự tiếp sức của các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá. Để kịp thời trấn áp, xóa bỏ những mầm mống nội và ngoại xâm, lực lượng An ninh vũ trang Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tập trung truy quét, bắt giữ 200 tên ác ôn, ngụy quân, ngụy quyền không chịu ra trình diện chính quyền cách mạng, tịch thu 115 khẩu súng các loại cùng nhiều phương tiện, tài liệu quan trọng khác.
Sau ngày đất nước thống nhất, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Gia Lai vừa khẩn trương củng cố tổ chức, triển khai đồn trạm, vừa nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của thù trong, giặc ngoài.
Một trong những mốc son của BĐBP tỉnh trên chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đó là cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Khmer Đỏ kéo dài suốt hơn 10 năm với những chiến công lẫy lừng. Tại đây, những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh đã hiện thực hóa “lời thề giữ đất” bằng những trận quyết tử trong vòng vây quân thù. Máu của cha anh đã đổ xuống nơi chiến hào, thấm sâu vào từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc cho đất nước hồi sinh.
Tiêu biểu là trận đánh kéo dài 9 ngày đêm (từ ngày 18 đến 26-6-1978) của Đồn Biên phòng 649 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ) trong vòng vây của 1 tiểu đoàn Khmer Đỏ được trang bị đầy đủ hỏa lực. Trong trận tử chiến này, quân ta phối hợp “trong đánh ra, ngoài đánh vào” đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch, tịch thu, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí trang bị của đối phương.
* P.V: Thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là trên khu vực biên giới. Đại tá có thể nói rõ hơn về những đóng góp đó?
- Đại tá Rơ Mah Tuân: Lực lượng BĐBP tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 80,485 km tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Đây là khu vực có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường biên giới đang trong quá trình hoạch định, phân giới, cắm mốc. Tính đến thời điểm hiện tại, địa bàn biên giới của tỉnh Gia Lai có 7 xã thuộc 3 huyện (Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai) với 11.937 hộ/50.028 khẩu thuộc 20 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa tham gia phòng-chống dịch Covid-19 hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình, phần việc góp phần xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới. Nổi bật là chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nhà đoàn kết hữu nghị”, “Bò giống cho người nghèo”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết đoàn kết, xuân yêu thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…
Cùng với đó, các đơn vị triển khai những cách làm hay, sáng tạo như: “Bếp ăn tình thương”, Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn”, lớp học xóa mù chữ, trình diễn lúa nước, xóa nhà tạm, nhà dột nát, chăm lo đời sống cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng ngày đêm tận tụy bám cơ sở, chủ động đấu tranh phòng-chống tội phạm và hướng dẫn người dân triển khai các mô hình kinh tế, dạy chữ, khám-chữa bệnh… luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân biên giới, góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, làm cơ sở xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.
Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh đã đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng, tích cực tham mưu và trực tiếp thực hiện công tác đối ngoại giữa chính quyền và người dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) tuần tra bảo vệ biên giới (ảnh đơn vị cung cấp).
* P.V: Phát huy truyền thống vẻ vang trong 60 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh sẽ làm gì để viết tiếp những trang sử vinh quang của đơn vị trong thời kỳ mới, thưa Đại tá?
- Đại tá Rơ Mah Tuân: Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP tỉnh Gia Lai 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, 3 tập thể vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh hôm nay luôn tự hào với truyền thống của thế hệ cha anh đi trước và nguyện sẽ phấn đấu, cống hiến hết mình vì biên giới thân thương.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống và tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; cảnh giác, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, quyết thắng mọi kẻ thù, đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần giữ vững đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Campuchia.
Song song với đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đoàn kết một lòng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, gắn bó máu thịt với Nhân dân; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành, các lực lượng để phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, bảo vệ biên giới.
* P.V: Xin cảm ơn Đại tá!
Nguồn: https://baogialai.com.vn/quyet-tam-bao-ve-vung-chac-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-post318949.html
Bình luận (0)