Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Trần Văn Cao, Xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng tập trung thu hoạch mật ong. Nuôi khoảng 100 đàn ong, mỗi vụ ông Cao thu được 250 – 300 lít mật. Ngoài ra ông còn gây đàn, bán giống thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Cao chia sẻ: “Tôi yêu nghề nên mới tồn tại được đến bây giờ. Kết thúc mùa vải, nhãn xong thì chăm đàn ong trở lại, thu mật mùa hoa rừng cho hết tháng 5 âm lịch. Phải biết tạo giống chúa, nhân đàn, chăm sóc được thì đàn ong mới phát triển được”.
Ông Cao kiểm tra chất lượng mật các tổ ong.
Vài năm gần đây, nuôi ong lấy mật đã trở thành một nghề ở xã Xuân Giao. Các hộ đã liên kết thành lập Tổ hội Nghề nghiệp nuôi ong, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi, thu hoạch mật, sao cho chất lượng nhất và quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Mô hình nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Vũ Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cho biết: “Chúng tôi thành lập tổ hội nghề nghiệp vừa nuôi ong lấy mật vừa bán giống cho các địa phương, giờ bán lên cho các tỉnh Lai Châu, Sơn La. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn duy trì tăng đàn, phát triển thêm đàn ong, phát triển thêm nhiều thành viên nữa để cố gắng thành lập hợp tác xã nuôi ong địa phương lấy mật”.
Nhiều hộ dân ở xã Xuân Giao phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Anh Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cho biết thêm: “Đối với mô hình nuôi ong lấy mật thì hiệu quả rất cao, từ thu nhập ban đầu chỉ 50 - 60 triệu đồng nhưng bây giờ đã đạt được gần 100 triệu đồng/năm. Hội Nông dân cũng đã tuyên truyền đến cán bộ hội viên và các chi hội khác cũng nhân rộng và phát triển mô hình này”.
Tiếng máy quay mật hối hả, những mẻ mật óng vàng được người nuôi ong ở Xuân Giao cung cấp ra thị trường. Nghề nuôi ong đã tạo nên những thành quả ngọt ngào cho người dân nơi đây.
Vương Mây - Tuấn Linh
Nguồn
Bình luận (0)