Mường Khương có lợi thế cạnh tranh lớn so với các địa phương khác trong tỉnh chính là đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Một điểm cộng cho Mường Khương là nông sản địa phương (chè, dứa, ớt) có chất lượng nổi trội, khác biệt so với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác.

Trên cơ sở lợi thế đó, cùng với những mục tiêu mà Nghị quyết 10 đã xác định, Mường Khương đã tập trung tạo sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; xác định rõ 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn) và 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng, ngành hàng tiềm năng để đầu tư phát triển; các giải pháp nghị quyết đưa ra đã được địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chính sách trồng chè, chăn nuôi, xây dựng cơ sở chế biến…) và thực hiện lồng ghép nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục phát triển thị trường trong nước, duy trì vững chắc thị trường truyền thống (Trung Quốc, Trung Đông...) và mở rộng thị trường mới, tiềm năng như EU, Nhật Bản...
Nhờ những giải pháp trên, năm 2024 - năm thứ ba triển khai Nghị quyết 10, diện tích các cây trồng chủ lực của huyện Mường Khương được mở rộng. Cụ thể, trồng mới 384 ha chè, nâng diện tích chè toàn huyện lên 5.840 ha, tăng 28% so với kế hoạch; năng suất trung bình 118,8 tạ/ha (tăng 3,3% so với kế hoạch), sản lượng đạt 36.497 tấn (tăng 3,39% so với kế hoạch), giá trị sản lượng đạt trên 261,2 tỷ đồng. Giá trị ngành hàng chè đến năm 2024 đạt 574,8 tỷ đồng, trong đó: giá trị từ sản phẩm chè búp tươi trên 261 tỷ đồng, giá trị gia tăng sau chế biến trên 313 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 7 công ty, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, chế biến chè, trong đó trên 95% sản lượng chè sau chế biến xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Trung Quốc, Canada, thị trường châu Âu; khoảng 5% sản lượng tiêu thụ nội tiêu.
Trồng mới 405 ha chuối, nâng diện tích chuối toàn huyện lên 955 ha (tăng 12,3% so với kế hoạch); năng suất 30 tấn/ha; sản lượng đạt 16.500 tấn. Giá trị ngành hàng chuối đạt 138 tỷ đồng. Trên 90% sản lượng chuối quả tươi được xuất bán sang thị trường Trung Quốc, 10% tiêu thụ tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Trồng mới 150 ha dứa, nâng diện tích dứa toàn huyện lên 1.790 ha (tăng 5,3% so với kế hoạch); sản lượng đạt 41.160 tấn. Giá trị ngành hàng dứa đạt 339 tỷ đồng, trong đó: giá trị thu được từ bán dứa quả tươi đạt 299 tỷ đồng, giá trị gia tăng sau chế biến đạt trên 72 tỷ đồng.
Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có 32.612 con (tăng 0,34% so với kế hoạch); sản lượng đạt 2.720 tấn. Giá trị từ chăn nuôi lợn đạt trên 223 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản lượng đạt 176,8 tỷ đồng, giá trị gia tăng sau chế biến đạt 46,2 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã chế biến sản phẩm từ thịt lợn (Hợp tác xã Sơn Hòa) với 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.
Trồng mới 182 ha quế, nâng diện tích quế toàn huyện lên 2.192 ha; sản lượng thu hoạch cành lá và vỏ quế lũy kế đạt 376 tấn tươi.

Kinh tế đồi rừng phát triển theo hướng vừa khai thác gỗ vừa kết hợp với phát triển khai thác lâm sản ngoài gỗ; công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng; phát triển trồng rừng bằng các loài cây đa mục đích, gắn kinh doanh gỗ rừng trồng với bảo vệ môi trường. Diện tích trồng rừng mới đạt 302 ha. Diện tích khoanh nuôi bảo vệ đến năm 2024 đạt 20.376 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,67%. Giá trị khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ (gồm giá trị khai thác lâm sản, lâm sản phụ và dịch vụ môi trường rừng) đạt gần 240 tỷ đồng.
Cùng với phát triển các cây trồng chủ lực, diện tích các cây trồng tiềm năng của địa phương cũng được mở rộng. Năm 2024, diện tích các cây trồng tiềm năng tăng 105 ha so với năm 2023; giá trị các ngành hàng tiềm năng đạt trên 268 tỷ đồng. Cụ thể: trồng mới 55 ha quýt, nâng diện tích quýt toàn huyện lên 870 ha, sản lượng đạt 7.872 tấn, giá trị sản lượng đạt 157 tỷ đồng. Trồng thêm 50 ha lúa Séng cù, nâng diện tích vùng lúa Séng cù lên 600 ha, sản lượng đạt 3.228 tấn, giá trị sản lượng 64,4 tỷ đồng. Duy trì 161 ha hồng giòn, sản lượng đạt 225 tấn, giá trị sản lượng đạt 7,8 tỷ đồng. Duy trì 200 ha ớt và đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản lượng sau chế biến đạt 1.686 tấn tương ớt, giá trị đạt 67,4 tỷ đồng (giá trị tăng thêm 28,9 tỷ đồng).
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Khương cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát lại hiện trạng quỹ đất sản xuất nông nghiệp để đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống; phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng sản xuất ở vùng thấp, thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả bằng trồng cây lâm nghiệp đa mục đích...
Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ sản xuất, ưu tiên hỗ trợ mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn.
Tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tăng cường thu hút đầu tư các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường phát triển thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, như Postmart.vn, Sendo… để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, quốc tế.
Nguồn: https://baolaocai.vn/rong-mo-vung-san-xuat-nong-nghiep-hang-hoa-tu-nghi-quyet-10-post399810.html
Bình luận (0)