Ông Kiệt kể, sau khi tốt nghiệp ngành điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ông có thời gian làm việc đúng chuyên ngành. Một lần đến vùng đất Tây nguyên, ông ấn tượng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cây tre. Nhận thấy quê nhà có nguồn tre dồi dào, ông ấp ủ ý tưởng mở cơ sở gia công đồ thủ công mỹ nghệ từ tre.
Sản phẩm hoa sen làm từ tre do ông Kiệt chế tác với phiên bản giới hạn và siêu giới hạn
ẢNH: DUY TÂN
Năm 2006, ông quyết định nghỉ việc, trở về quê khởi nghiệp. Với số vốn ít ỏi, ông tự mày mò học hỏi nghề và mua sắm thiết bị để làm các sản phẩm từ cây tre. Đến năm 2013, nhiều sản phẩm đẹp mắt hoàn thiện đưa ra thị trường, được khách hàng đón nhận và tìm đến cơ sở đặt hàng.
Những sản phẩm được bán ra thị trường các nước Ý, Canada, Nhật Bản
ẢNH: DUY TÂN
"Ban đầu, sản phẩm làm ra bán không ai mua, tôi trắng tay không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc mà cố gắng học hỏi, mày mò sao cho sản phẩm ngày càng đẹp và chất lượng nên khách hàng đã đón nhận", ông Kiệt trải lòng.
Sau một thời gian ổn định được lượng khách hàng và nguồn vốn, ông Kiệt tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để có quy trình tạo ra sản phẩm khép kín, công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Xe mô hình làm từ tre
ẢNH: DUY TÂN
Sản phẩm siêu giới hạn, độ bền 15 - 20 năm
Chất liệu từ tre được ông Kiệt tuyển chọn kỹ lưỡng để sản xuất sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường. Công đoạn chế tác cũng lắm công phu, phải làm sao cân đối được bố cục, mang tính hài hòa, không quá lớn cũng không quá nhỏ thì sản phẩm mới có chiều sâu.
Đèn được làm từ tre
ẢNH: DUY TÂN
"Ở quê rôi, tre chủ yếu dùng làm nhà và các sản phẩm như rổ, lợp, lờ… để phục vụ thị trường bình dân, giá rẻ. Riêng tôi chọn tre làm đồ thủ công mỹ nghệ ở phân khúc cao cấp. Khi sản xuất như vậy sẽ không áp lực về số lượng mà chỉ chú trọng vào chất lượng. Từ đó khai thác được giá trị tài nguyên bản địa một cách tốt nhất", ông Kiệt cho biết.
Các mẫu bình hoa tinh xảo
ẢNH: DUY TÂN
Đặc biệt, các sản phẩm do ông Kiệt làm ra ở phân khúc cao cấp nên đều là phiên bản giới hạn và siêu giới hạn, như: đèn hoa sen, chậu sen, bút, xe mô hình… với kiểu dáng độc đáo, đẹp mắt. Đến nay, ông đã nhận được hơn 2.000 đơn đặt hàng lớn, nhỏ. Ngoài ra, ông còn nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu sản phẩm sang các nước Ý, Canada, Nhật Bản. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm ổn định 5 công nhân và khoảng 50 người nhận hàng về gia công tại địa phương.
Bút được làm từ tre
ẢNH: DUY TÂN
"Những sản phẩm tôi làm ra đều được khách hàng mua trưng bày, sưu tầm. Vì vậy, phải là những phiên bản giới hạn, tinh xảo, độc đáo và có độ bền từ 15 - 20 năm. Riêng với xe mô hình thì có thể tháo lắp các bộ phận, mỗi chiếc chỉ có một bản duy nhất", ông Kiệt nói.
Sắp tới, ông Kiệt tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, liên kết nhiều vùng nguyên liệu; đồng thời, áp dụng quy trình hiện đại trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu, bảo vệ kiểu dáng công nghiệp, duy trì các giá trị xanh trong sản xuất sản phẩm từ cây tre thân thiện môi trường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/san-pham-thu-cong-my-nghe-doc-dao-tu-tre-cua-ky-su-dien-185250401163540802.htm
Bình luận (0)