Hình thức sản xuất mới này xuất phát từ việc thay đổi tư duy, cách làm của người nông dân. Mô hình sản xuất trên vùng đất đồi rừng thuộc Hợp tác xã (HTX) Thanh Sơn (Thanh Nghị - Thanh Liêm) có diện tích 5 ha của chị Phạm Thị Mến được khai thác hiệu quả theo hướng sản xuất gắn với chế biến sản phẩm. Tại diện tích này chị Mến trồng nhiều loại cây thảo dược, như: Cúc chi, đu đủ (giống đu đủ đực lấy hoa), huyết dụ, lô hội… Cùng với sản xuất, chị đầu tư lò sấy lạnh hiện đại (sấy thăng hoa) để sấy khô các sản phẩm hoa cúc chi, hoa đu đủ đực, lá huyết dụ làm trà bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Hoa đu đủ đực chị kết hợp với mật ong tạo ra sản phẩm hoa đu đủ đực ngâm mật ong. Được biết, những loại cây thảo dược được chị Mến trồng đều đạt chất lượng an toàn. Sản phẩm chế biến trong mô hình của chị đều được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), xếp hạng 3 sao gồm: Trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, trà lá huyết dụ).
Chị Phạm Thị Mến cho biết: Phát triển theo hướng sản xuất gắn với chế biến tạo sự chủ động và nâng cao giá trị sản phẩm. Các sản phẩm chế biến hiện nay chủ yếu bán qua trang thương mại điện tử, được khách hàng đón nhận. Tới đây gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm thảo dược.
Cũng như chị Mến, nhiều mô hình sản xuất được người dân áp dụng phương thức chế biến tạo ra sản phẩm tinh khi đến tay người tiêu dùng. Chẳng hạn như mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của HTX dược thảo Minh Đức (xã Công Lý, Lý Nhân) chế biến ra nhiều sản phẩm, như: Trà, rượu, đông trùng hạ thảo sấy khô… Hay mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn (thị xã Kim Bảng) đã chế biến cá nuôi theo tiêu chuẩn Viet GAP thành các sản phẩm: Ruốc cá, chả cá, cá kho… Đặc biệt, vùng nuôi bò sữa của thị xã Duy Tiên đã thành lập một số doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ sữa bò tươi nguyên chất, như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm, sữa chua nha đam, sữa chua việt quất… Có hơn 10 sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi của các đơn vị gắn sản xuất với chế biến đã được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao và 4 sao.
Công ty cổ phần sữa Mục Đồng có tiền thân là Trang trại chăn nuôi bò sữa Mục Đồng được phát triển theo hướng hữu cơ tại Khu chăn nuôi bò sữa tập trung, xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên). Toàn bộ sản phẩm sữa tươi của đàn bò nuôi tại trang trại được chế biến thành các sản phẩm sữa đạt chất lượng (có đến 4 sản phẩm sữa đạt OCOP, xếp hạng 4 sao) cung cấp cho người tiêu dùng tại các thành phố lớn, nhất là thủ đô Hà Nội. Mấy năm gần đây, để mở rộng quy mô sản xuất công ty đầu tư thuê đất, xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tại huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) có quy mô 100 con được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản. Toàn bộ lượng sữa tươi khai thác từ đàn bò (mỗi ngày 1 tấn) đều được đưa về cơ sở chế biến tại phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên). Theo chị Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc Công ty, việc phát triển sản xuất gắn với chế biến tạo ra hướng đi mới, nâng cao giá trị đối với sản phẩm nông nghiệp. Hướng đi này đặt ra yêu cầu, đơn vị cần áp dụng tốt khoa học – kỹ thuật, tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu đến chế biến bảo đảm chất lượng. Từ đó, tạo sức cạnh tranh tốt trên thị trường với các sản phẩm cùng loại để có được niềm tin và lựa chọn của người tiêu dùng.
Hiệu quả của sản xuất gắn với chế biến đã cho thấy rõ hiệu quả. Các sản phẩm đều được nâng cao về giá trị và lợi nhuận. Cụ thể, sản phẩm hoa cúc chi khi được chế biến trở thành trà hoa cúc, mật ong ngâm hoa đu đủ đực... giá trị tăng lên gấp 3 – 4 lần bán thô cho các cơ sở chế biến khác. Hoa sen bách diệp khi được đưa vào ướp trà đã nâng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần (tính theo giá trị của trà ướp sen so với trà mộc). Sữa bò tươi, nếu nuôi bình thường và nhập sữa cho các nhà máy chế biến giá bán chỉ ở mức từ 12 – 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, qua chế biến nâng giá trị lên 75 nghìn đồng/kg, gấp 5 lần. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp theo hướng từ sản xuất đến chế biến giúp tạo ra thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá: Nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình về nông nghiệp đã thực hiện khá tốt việc sản xuất gắn với chế biến sản phẩm. Ngành đang tiếp tục hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật và xúc tiến thương mại để có thêm nhiều mô hình, hướng đến mở rộng ra nhiều lĩnh vực sản xuất đối với cả chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản…
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng nâng cao giá trị. Hiệu quả từ các mô hình sản xuất gắn với chế biến là động lực để người nông dân tìm hiểu, áp dụng, tiến tới mở rộng sản xuất. Qua đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi loại hình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Mạnh Hùng
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/san-xuat-gan-voi-che-bien-huong-di-hieu-qua-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa-158291.html
Bình luận (0)