Hệ thống xử lý nước thải ở KCN Quán Ngang -Ảnh: T.N
Đến cuối tháng 12/2024 tỉnh Quảng Trị có 2 KCN và 16 CCN đã đi vào hoạt động. Tại các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh có 197 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là hơn 172.356 tỉ đồng, các CCN đã thu hút được 173 dự án, trong đó có 97 dự án đã đi vào hoạt động. Do đó, tổng khối lượng nước thải phát sinh hiện tại của 2 KCN (Quán Ngang và Nam Đông Hà) khoảng gần 1.000m3/ngày đêm. Đối với các CCN lượng nước thải phát sinh dao động từ 5-180m3/ ngày đêm mỗi CCN, riêng CCN 9D và CCN Krông Klang chưa có cơ sở hoạt động phát sinh nước thải. Thành phần nước thải phát sinh tại các KCN, CCN tùy thuộc vào loại hình hoạt động. Kết quả phân tích chất lượng nước thải tại một số KCN, CCN cho thấy các thông số như: độ màu, TSS, COD, BOD5, Coliform vượt QCVN 40/2011/BTNMT cột B (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp).
Về hiện trạng hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải, hiện tại chỉ có KCN Quán Ngang đã được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT quy mô 1.500 m3/ngày đêm đã hoàn thiện nhưng chưa hoạt động do chủ đầu tư đang lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. CCN Ái Tử đã đầu tư 2 hệ thống thu gom, XLNT từ năm 2016 công suất 200m3/ ngày đêm/hệ thống. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa tổ chức vận hành, các hạng mục công trình, máy móc thiết bị đi kèm đã xuống cấp; CCN Đông Lễ đã đầu tư hệ thống thu gom, XLNT, công suất 150 m3/ngày đêm từ năm 2006 nhưng chưa hoàn thiện phần lắp đặt máy móc thiết bị và chưa hoạt động, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ngoài ra, CCN Hướng Tân do Công ty CP cà phê Thái Hòa Quảng Trị trước đây làm chủ đầu tư đã xây dựng phần móng và một số bể chứa của hệ thống XLNT công suất 40 m3/ngày đêm nhưng chưa hoàn thiện đồng bộ, chưa sử dụng, đến nay đã hư hỏng. Ngoài thực trạng của 1 KCN và 3 CCN nói trên, KCN Nam Đông Hà và 13 CCN còn lại chưa có hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải.
Bên cạnh những tồn tại về thu gom, thoát và XLNT nêu trên, nhiều KCN, CCN vẫn chưa có hệ thống thoát nước mưa, một số cơ sở thu gom nước thải thoát chung với nước mưa ra môi trường. Một số KCN, CCN thậm chí chưa quy hoạch, bố trí được mặt bằng để thực hiện xây dựng công trình hạ tầng về môi trường.
Ngoài hệ thống thu gom và XLNT, KCN, CCN còn phải đáp ứng các yêu cầu khác như về diện tích, khoảng cách an toàn môi trường và diện tích cây xanh. Về giấy phép môi trường hiện nay chỉ có 1 CCN đang hoạt động được cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 là CCN Cửa Tùng.
Bên cạnh đó, do tính lịch sử hình thành, phát triển các KCN, CCN và quá trình thực hiện quy hoạch các vị trí của một số KCN, CCN chưa hợp lý, các tiêu chí yêu cầu về quy mô, kỹ thuật của KCN, CCN có sự thay đổi nên nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như hoạt động của các KCN, CCN.
Các nguyên nhân chính trên đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhiều vụ việc khiếu kiện, khiếu nại đã từng xảy ra do vấn đề ô nhiễm nước thải của các cơ sở hoạt động trong KCN, CCN.
Trước thực trạng trên, việc rà soát lại danh mục các KCN, CCN và xây dựng phương án, lộ trình đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống công trình thu gom XLNT, biện pháp bảo vệ môi trường cho các KCN, CCN là rất cấp thiết.
Vì thế, một trong những giải pháp mà tỉnh Quảng Trị đang hướng tới là xã hội hóa nguồn lực cho đầu tư hệ thống XLNT tại KCN, CCN nhằm tranh thủ được nguồn vốn từ các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao trách nhiệm đồng hành với nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh giải pháp về nguồn lực, việc xác định, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng KCN, CCN theo từng giai đoạn, lộ trình cụ thể cũng cần được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đạt được hiệu quả xử lý.
Từ những yêu cầu cấp bách để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra và các yêu cầu theo quy định của pháp luật, các định hướng chính sách phát triển kinh tế-xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã xây dựng nhiệm vụ: “Điều tra, khảo sát lập phương án đầu tư hệ thống XLNT cho các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030”. Với mục tiêu là xây dựng phương án tổng thể đầu tư, đề xuất công nghệ, kinh phí và kế hoạch, lộ trình đầu tư hệ thống XLNT cho các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương.
Thông qua điều tra, khảo sát hiện trạng hoạt động, hiện trạng phát sinh nước thải và hệ thống XLNT tại các KCN, CCN của tỉnh, dự báo, tính toán khả năng phát sinh nước thải đến năm 2030. Rà soát, nghiên cứu định hướng lựa chọn công nghệ XLNT, phương thức quản lý vận hành phù hợp với các KCN, CCN trên địa bàn.
Đề xuất kế hoạch đầu tư bao gồm lộ trình, giải pháp công nghệ, giải pháp bố trí vốn hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN đáp ứng yêu cầu hoạt động, thu hút đầu tư theo yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, đảm bảo đến năm 2025, có 40% số KCN, CCN có đầu tư hệ thống XLNT tập trung hoạt động. Theo đó, đề xuất phương án đầu tư hệ thống thu gom, xử lý cho 1 KCN Nam Đông Hà và 7 CCN gồm: Đông Lễ và Ái Tử (đầu tư cải tạo nâng cấp); Quốc lộ 9D, Cam Hiếu, Hải Lệ, Hải Chánh, Krông Klang (đầu tư mới).
Trong đó, đầu tư tuyến ống thu gom về khu vực xử lý KCN Nam Đông Hà dài 7.010 m chạy dọc theo các tuyến ở các trục đường nội bộ trong KCN. Xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và sản xuất từ các nhà máy trong KCN về hệ thống xử lý, sử dụng ống kín bằng BTCT với D300-D400 tùy vào từng phân khu KCN; trên tuyến bố trí các hố ga để lắng đất cát.
Đối với các khu vực có địa hình chênh cao phải sử dụng hố gom và bơm tăng áp để dẫn về khu xử lý chung. Xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và sản xuất từ các nhà máy trong CCN về hệ thống xử lý chung.
Qua khảo sát thực tế, khu vực xây dựng hệ thống XLNT được quy hoạch tại góc phía Đông của KCN Nam Đông Hà với diện tích 1,3 ha. Hiện tại các cơ sở trong KCN đã đầu tư hệ thống XLNT đạt QCVN 40:2011/ BTNMT (cột B), khối lượng phát sinh tối đa khoảng 450 m3 ngày/đêm (gồm cả nước mưa chảy tràn đợt đầu qua các bãi chứa nguyên liệu ngoài trời), đề xuất tổng công suất xử lý 1.000 m3/ngày đêm để tránh lãng phí và hoạt động hiệu quả xử lý, đề xuất đầu tư modul 1 công suất 500 m3/ngày đêm.
Công nghệ được khảo sát lựa chọn trên cơ sở phù hợp với thực tế hoạt động, nước thải KCN, đảm bảo công nghệ tương đương hoặc ưu việt, hiện đại hơn công nghệ đã được phê duyệt nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống XLNT ở các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Tân Nguyên
Nguồn: https://baoquangtri.vn/su-can-thiet-phai-dau-tu-hoan-thien-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-o-cac-khu-cong-nghiep-cum-cong-nghiep-193498.htm
Bình luận (0)