Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. Ảnh: Tư liệu |
Chọn tấn công chiến lược
Hướng Tây - Nam Huế là khu vực có đồi trọc và những cánh rừng non, là khu vực nhằm bảo vệ tuyến giao thông chiến lược Huế - Đà Nẵng và sân bay Phú Bài, là khu vực rất hiểm yếu đối với địch. Nếu bị lực lượng lớn của ta đánh chiếm địa bàn này, địch sẽ bị cắt đứt tuyến đường chiến lược, lực lượng của chúng ở Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) sẽ bị bao vây, cô lập. Nhưng có một điều rằng, địch lại không tin quân ta có thể đưa một lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vượt qua vùng núi hiểm trở của A Lưới, Nam Đông (cũ), Khe Tre vào đánh lớn ở vùng này được. Do đó, ở hướng này địch chỉ sử dụng lực lượng phòng ngự ở vòng ngoài, tập trung chủ yếu vào các khu vực Mỏ Tàu, điểm cao 303, dãy núi Kim Sắc, động Truồi và chốt giữ các đoạn giao thông quan trọng từ Lăng Cô đến Đá Bạc, hệ thống phòng ngự của chúng ở hướng này không có chiều sâu và thiếu chặt chẽ.
Nắm bắt được ý đồ của địch, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận cân nhắc, suy nghĩ trong việc chọn hướng tấn công chính cho cuộc chiến lịch sử này. Được sự nhất trí cao của cấp ủy Đảng, các cấp chỉ huy lực lượng vũ trang đã quyết định chọn hướng tấn công chủ yếu là hướng Tây – Nam Huế và đường 14, đây được xem là quyết định sáng tạo mang tính chất chiến lược, thể hiện quyết tâm tiêu diệt địch của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bất chấp mọi khó khăn, gian khổ. Để có thể thực hiện quyết tâm đó, các cấp ủy Đảng đã động viên được hơn 2.000 dân công, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương mở đường vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men...
Cuối năm 1974, chúng ta đã thi công xong 210km đường 74, cùng các đường 71, 72, 73 xây dựng từ những năm trước đã tạo thành một mạng lưới đường vận chuyển cơ giới liên hoàn từ miền núi xuống đồng bằng, xe đã thông tuyến từ Khe Tre, Nam Đông, A Lưới, những địa bàn khó khăn nhất của chiến dịch. Chúng ta đã mở được 30 trục đường hành lang bí mật và công khai từ tuyến đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn) về vùng giáp ranh và đồng bằng. Nhờ có mạng lưới giao thông này, các đơn vị pháo binh, xe tăng, cao xạ các đơn vị bộ binh, các đội công tác có thể tiến sát lên phía trước để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, điều mà địch không tin chúng ta có thể làm được và làm tốt đến như vậy. Chưa bao giờ việc chuẩn bị thực lực cho Xuân Hè 1975 lại chuẩn bị công phu, chu đáo và thành công như lần này. Đây được xem là một thành công lớn trong công tác lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh nhà (nay là TP. Huế).
Nghi binh đánh lạc hướng địch
Đi đôi với chuyển hướng tấn công, ta tổ chức một cuộc diễn tập thực binh ở Quảng Trị để nghi binh đánh lạc hướng địch, đồng thời rút Sư đoàn 325 và Trung đoàn 9 của Sư đoàn 304 từ Bắc Quảng Trị vào Nam Thừa Thiên để tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu của chiến dịch Xuân Hè năm 1975 ở Huế. Cuộc diễn tập đã làm cho địch hốt hoảng, bị động, không phán đoán được hướng tấn công chính của ta. Theo đó, địch tăng cường lực lượng phòng ngự trên tuyến Quảng Trị, đây là điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng theo đúng kế hoạch tấn công theo hướng Tây – Nam Huế.
Theo kế hoạch, sáng 8/3/1975, trên hướng chủ yếu của chiến dịch, các lực lượng của Quân khu và Quân đoàn 2 nhất loạt nổ súng tiến công địch ở đường 14, Sư đoàn 324 do đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn và Chính ủy Nguyễn Trọng Dần chỉ huy tấn công vào khu vực Mỏ Tàu (Mỏ Tàu có độ cao 325m, là lá chắn che chở, bảo vệ phía nam căn cứ Phú Bài và phía tây Quốc lộ I, là mắt thần của địch trên tuyến phòng ngự phía tây Thừa Thiên Huế), điểm cao 302, 201, 136, 139, hệ thống kho tàng sân bay Phú Bài, khống chế Quốc lộ 1 - con đường giao thông chiến lược Huế - Đà Nẵng.
Với những trận đánh phủ đầu của ta đã thu hút phần lớn lực lượng của địch vào khu vực trọng điểm này, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tấn công trên cả địa bàn tỉnh (nay là TP. Huế). Trong khi đó, ở hướng Tây - Bắc Huế địch xem là hướng tấn công chủ yếu của ta nên chúng đã tập trung lực lượng phòng ngự rất kiên cố. Với tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4 đã tấn công nhiều đợt vào căn cứ của địch, tạo được thế uy hiếp từ phía tây, thu hút lực lượng địch vào khu vực này, buộc chúng bị căng mỏng lực lượng trên toàn tuyến giáp ranh. Với thắng lợi này đã làm cho địch lúng túng, bị động đối phó, không phán đoán được hướng tấn công chủ yếu của ta, đồng thời đây là cuộc tấn công tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ và chuẩn bị đón thời cơ mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền của quân và dân Thừa Thiên Huế.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/su-chuyen-huong-tan-cong-chien-luoc-trong-xuan-1975-153084.html
Bình luận (0)