Sữa chua cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư đại trực tràng - Ảnh: FREEPIK
Theo Medical News Today, các yếu tố lối sống như lười vận động, hút thuốc, béo phì, tiêu thụ rượu quá mức, ăn nhiều thịt chế biến sẵn và ít ăn trái cây, rau củ có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, với nhiều trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, canxi và các sản phẩm từ sữa sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Sữa chua và ung thư đại trực tràng
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Mass General Brigham dẫn đầu, được công bố trên tạp chí Gut Microbes, đã phát hiện rằng sữa chua cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư đại trực tràng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những người ăn từ 2 phần sữa chua chứa vi khuẩn sống trở lên mỗi tuần có nguy cơ phát triển khối u đại trực tràng dương tính với Bifidobacterium thấp hơn 20%. Đây là chủng vi khuẩn phổ biến trong hệ vi sinh đường ruột.
Tiến sĩ Gemma Balmer-Kemp, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Cancer Grand Challenges, một trong những đơn vị tài trợ nghiên cứu, chia sẻ: "Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mới về lợi ích tiềm năng của sữa chua trong việc giảm nguy cơ mắc một loại ung thư đại trực tràng cụ thể".
Bà cũng nhấn mạnh: "Nghiên cứu này cho thấy mối tương quan giữa việc tiêu thụ sữa chua trong thời gian dài với tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác định vai trò của Bifidobacterium và các cơ chế liên quan".
Probiotics có giúp chống ung thư không?
Sữa chua men sống chứa nhiều chủng vi khuẩn khác nhau. Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus thường được sử dụng để lên men sữa thành sữa chua, nhưng nhiều chủng vi khuẩn khác như probiotics cũng có thể được bổ sung.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng probiotics có thể tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe đường ruột, giảm nguy cơ loãng xương, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch, thậm chí có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Để kiểm tra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ sữa chua và nguy cơ ung thư đại trực tràng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ hai nghiên cứu dài hạn, theo dõi hơn 100.000 y tá nữ từ năm 1976 và 51.000 nhân viên y tế nam từ năm 1986.
Mặc dù nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa lượng sữa chua tiêu thụ trong thời gian dài và tổng số ca mắc ung thư đại trực tràng, nhưng họ nhận thấy tỉ lệ mắc khối u dương tính với Bifidobacterium thấp hơn 20% ở những người ăn nhiều sữa chua hơn.
Dù sữa chua tự nhiên tốt cho chế độ ăn uống cân bằng nhưng không phải tất cả các loại sữa chua đều có lợi cho sức khỏe. Các loại sữa chua có hương vị và sữa chua trái cây thường chứa nhiều đường bổ sung và các thành phần không tốt cho sức khỏe.
Sữa chua nào tốt cho sức khỏe?
Sữa chua tự nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, phốt pho, kali, vitamin A, B2, B12, protein và axit béo thiết yếu, probiotics - vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe.
Một số loại sữa chua còn có lợi ích đặc biệt. Chẳng hạn, sữa chua Hy Lạp nguyên kem có thể giúp tăng cường sức khỏe xương, xây dựng cơ bắp và giảm nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường loại 2 và một số rối loạn tâm lý.
Ngoài ra, dù uống nhiều sữa tươi (khoảng 4 ly/ngày) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng các sản phẩm sữa lên men như sữa chua và kefir lại cung cấp những chất dinh dưỡng thiết yếu mà không tác động tiêu cực đến tim mạch.
Không có khuyến nghị cụ thể về tần suất ăn sữa chua, nhưng việc bổ sung khoảng 1 ly vào chế độ ăn vài lần một tuần, hoặc hằng ngày có thể mang lại lợi ích cho hệ vi sinh đường ruột.
Nếu bạn không thích sữa chua, vẫn có nhiều lựa chọn thực phẩm lên men khác như kefir dừa, kim chi, miso, và dưa cải muối, tất cả đều chứa probiotics giúp duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sua-chua-co-the-giup-giam-nguy-co-mac-ung-thu-dai-truc-trang-20250217190923497.htm
Bình luận (0)