Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sửa đổi Luật Chứng khoán, tạo điều kiện cho start-up công nghệ huy động vốn

Nhấn mạnh Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, Viện trưởng Viện IDS Trần Văn đề nghị cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, nghiên cứu dành riêng một chương về điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân06/04/2025

Thị trường chứng khoán chưa phải là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp công nghệ

Huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ (doanh nghiệp start-up) luôn là câu chuyện đau đầu nhất cho các nhà khởi nghiệp. Nhấn mạnh thực tế này, TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) nêu rõ, trong quá trình phát triển, các start-up đều hướng đến việc huy động vốn từ công chúng và coi đây là thước đo thành công, cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của start-up, trở thành một doanh nghiệp hoàn thiện đóng góp đầy đủ cho nền kinh tế - xã hội đất nước.

Sửa đổi Luật Chứng khoán, tạo điều kiện cho start-up công nghệ huy động vốn ảnh 1

Sửa đổi Luật Chứng khoán, tạo điều kiện cho start-up công nghệ huy động vốn

Thế nhưng, theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh 2 năm liên tục liền trước năm IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

"Đây là khó khăn hay thậm chí là hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua đối với doanh nghiệp start-up công nghệ, vì giai đoạn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp start-up thường kèm theo thua lỗ tạm thời do chi phí cao cho nghiên cứu và phát triển. Đối với các doanh nghiệp start-up quy mô lớn, rất lớn như các kỳ lân công nghệ lại càng khó vì số vốn cần huy động thường rất lớn, vài chục, vài trăm triệu USD", Viện trưởng Viện IDS cho biết.

Cũng theo Viện trưởng Viện IDS, quy định của Luật Chứng khoán đặt ra nhằm mục đích bảo đảm chất lượng chứng khoán niêm yết, bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khỏi nguy cơ thua lỗ khi đầu tư vào các doanh nghiệp kém hiệu quả, vô hình trung đang cản trở các doanh nghiệp start-up công nghệ Việt Nam tiếp cận thị trường vốn để phát triển, các nhà đầu tư mất đi cơ hội đầu tư vào các start-up công nghệ cho dù họ có đầy đủ thông tin doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro để đầu tư.

Tổng Giám đốc SSI Asset Management Nguyễn Ngọc Anh thẳng thắn, trong 10 năm qua không có doanh nghiệp công nghệ nào thực hiện IPO tại thị trường Việt Nam. Như vậy có nghĩa là thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải là một kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp công nghệ.

Theo Tổng Giám đốc SSI Asset Management, ngay tại các năm 2017, 2018, 2019 là thời điểm đỉnh cao của IPO tại Việt Nam, nhưng chúng ta cũng không thấy các doanh nghiệp công nghệ. Từ thời điểm năm 2020 cho đến nay là thời điểm yên ắng của thị trường IPO Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng không xuất hiện trên bản đồ IPO của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Trước thực trạng này, chúng ta cần phải đưa ra giải pháp để biến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghệ”, Tổng Giám đốc SSI Asset Management đề xuất.

Xây dựng sàn giao dịch chuyên nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ

Dẫn thực tế các trung tâm tài chính lớn trên thế giới đã linh hoạt hóa điều kiện niêm yết, cho phép doanh nghiệp công nghệ chưa có lợi nhuận tiếp cận vốn dễ dàng hơn để thúc đẩy tăng trưởng, Tổng Giám đốc SSI Asset Management nêu rõ, Mỹ đã xây dựng một sàn Nasdaq riêng cho các doanh nghiệp công nghệ, với những điều kiện phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp công nghệ. Trung Quốc đã nới lỏng yêu cầu lợi nhuận, cho phép công ty công nghệ chưa có lợi nhuận niêm yết trên STAR Market (Thượng Hải). Tương tự, Ấn Độ áp dụng quy định linh hoạt cho start-up công nghệ trên Innovators Growth Platform (NSE) và SME trên NSE Emerge.

Tổng Giám đốc SSI Asset Management đề nghị cân nhắc việc xây dựng một sàn giao dịch chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Viện trưởng IDS nêu rõ, khi start-up công nghệ dễ dàng IPO, họ có thể huy động vốn công khai để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… mà không bị áp lực phải có lợi nhuận ngay lập tức. Đặc biệt, nếu điều kiện IPO linh hoạt hơn, quỹ đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng rót vốn vào start-up công nghệ Việt Nam vì có kênh thoái vốn rõ ràng. Việc start-up huy động được vốn từ IPO, họ có thể mở rộng hoạt động, thu hút nhân tài, phát triển công nghệ mới, từ đó tăng trưởng GDP và tạo việc làm chất lượng cao.

Nhấn mạnh Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, Viện trưởng Viện IDS đề nghị cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, nghiên cứu dành riêng một chương về điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường.

Đồng thời, Viện trưởng Viện IDS cho rằng, nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học, công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Doanh nghiệp, hay quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về các trung tâm tài chính quốc tế để có thể bao quát được các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp start-up công nghệ. Đây chính là tinh thần cách mạng tiến công không ngừng nghỉ để vượt qua những “điểm nghẽn” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, bảo đảm nguồn lực, nhân lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nhiệm vụ này phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành trong quý II.2025.

Vai trò của thị trường vốn trong phát triển khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là rất quan trọng. Tuy nhiên thị trường vốn Việt Nam hiện nay còn phát triển chưa đều, chưa tương xứng với tiềm năng và cũng chưa đủ sức tài trợ, đồng hành với định hướng phát triển dài hạn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Bên cạnh những giải pháp mang tính dài hạn để nâng cao sức mạnh của thị trường vốn, như xây dựng một sàn chứng khoán riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thì việc mở rộng thị trường vốn thông qua IPO, kết hợp với một cơ chế thanh khoản cao, được xem là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ tại Việt Nam.

Một hệ thống niêm yết linh hoạt, bảo đảm tính thanh khoản không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn tạo động lực cho đổi mới sáng tạo. Điều này góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/sua-doi-luat-chung-khoan-tao-dieu-kien-cho-start-up-cong-nghe-huy-dong-von-post409452.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm