Tiếp lửa cho những khát vọng đổi đời
Từng là một hộ nghèo ở địa bàn vô cùng khó khăn của xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (nay là xã Điền Xá), anh Trần Văn Hoan không nghĩ có ngày kinh tế của gia đình lại khấm khá như bây giờ, khi có cả nhà mái bằng kiên cố, xe ô tô và một “cần câu” vững chắc với thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Quay trở lại nhiều năm trước, khi những chủ trương trợ lực cho bà con vùng DTTS, miền núi thoát nghèo được triển khai mạnh mẽ tại khắp các thôn, bản, anh Hoan đã được chính quyền địa phương tiếp sức về vốn, con giống và kỹ thuật để phát triển mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên. Có bệ đỡ, lại chịu khó, cần cù, sau vài năm anh Hoan dần thoát nghèo. Từ vài trăm con gà ban đầu, giờ đây anh Hoan đã có một trang trại chăn nuôi với quy mô gần 10.000 con gà mỗi năm.
Anh Hoan cho biết: Từ thoát nghèo đến có một cơ ngơi như bây giờ, ngoài vốn liếng, tôi luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương thông qua các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống đầu vào, xây dựng thương hiệu, kết nối đầu ra. Nhờ đó, gia đình yên tâm phát triển kinh tế.
Những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Như mô hình nuôi cá tầm nước lạnh của nông dân Chạc A Sặp xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà (nay là xã Quảng Tân) là một ví dụ tiêu biểu. Nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi cá nước lạnh, được sự khuyến khích, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đầu năm 2024, ông Sặp cùng một người bạn mạnh dạn đầu tư cải tạo đất đồi, xây dựng hệ thống ao đất phủ bạt để nuôi thử nghiệm 3.000 con cá tầm giống. Sau 1 năm nuôi thử nghiệm, mô hình này đã cho thấy hiệu quả với đầu ra khá rộng mở với giá bán khoảng 700.000-1 triệu đồng/con cá thương phẩm và 10.000-15.000 đồng/con cá giống.
Tiếp đà phát triển thuận lợi, đầu năm 2025, ông Sặp quyết định đầu tư thêm 3 tỷ đồng, mở rộng quy mô bể và hệ thống cấp thoát nước, hình thành trang trại nuôi cá tầm với 80 bể nuôi cả cá giống và cá thương phẩm. Trang trại này cũng đang tạo việc làm cho gần 10 nhân công với mức thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng. Ông Sặp cho biết: Giống cá tầm hợp với nơi có nguồn nước lạnh như ở xã Quảng Lâm, nên có tiềm năng phát triển. Hiện tại, tôi đang có hướng mở rộng thêm diện tích nuôi cá thương phẩm để tăng thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho bà con.
Với thu nhập 500-600 triệu đồng/năm từ sản xuất, chế biến miến dong và trồng cây quế, hồi, anh La A Nồng, dân tộc Sán Chỉ, xã Húc Động, huyện Bình Liêu (nay là xã Bình Liêu) cũng được biết đến là một trong những điển hình tiêu biểu về làm giàu. Những năm gần đây, khi các chính sách cho vùng đồng bào DTTS được triển khai mạnh mẽ ở địa phương đã tạo thêm cơ hội cho anh Nồng cũng như nhiều hộ dân ở đây mạnh dạn làm giàu.
Anh Nồng cho biết: "Đồng bào DTTS được tiếp cận về vốn vay, kỹ thuật, hướng dẫn phát triển nông sản thế mạnh, như ở địa phương tôi là miến dong. Nhờ đó bà con cũng vững tin thi đua làm giàu. Đặc biệt những tuyến đường giao thông được đầu tư, tạo thuận lợi cho bà con buôn bán nông sản, kết nối bạn hàng".
Những câu chuyện về nỗ lực vươn lên ở vùng khó như minh chứng rõ cho những chính sách đúng đắn của tỉnh. Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo chính là đòn bẩy mạnh mẽ nhất. Tính đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt 83,79 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương; chỉ còn 8 hộ nghèo theo chuẩn nghèo riêng của tỉnh, đều là hộ DTTS, tỷ lệ hộ cận nghèo DTTS còn 0,31%.
Để vùng khó tiến gần đến vùng xuôi
Ngoài việc tiếp sức cho người dân về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Quảng Ninh cũng tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, coi đây là “cánh cửa” để người dân vùng khó mở ra những cơ hội về giao thương, phát triển sản xuất, kéo gần khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Cuối năm 2024, tuyến đường tỉnh lộ 31 cũ nối xã Đoàn Kết với xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (nay là đặc khu Vân Đồn) đoạn qua thôn Khe Ngái được đầu tư xây dựng mới. Với mặt đường rộng, rải asphalt cùng hệ thống chiếu sáng cao áp, tuyến đường khi đưa vào sử dụng mang lại nhiều niềm vui cho bà con nhân dân thôn Khe Ngái. Ông Nguyễn Duy Công, thôn Khe Ngái cho biết: Trước đây, tuyến đường này đã xuống cấp, đi lại khó khăn khiến giao thương, sinh hoạt của bà con gặp nhiều bất cập. Nhờ nguồn lực đầu tư của nhà nước, tuyến đường khang trang, rộng rãi đã được hoàn thành. Bà con đi lại thuận lợi hơn, vận chuyển hàng hóa cũng dễ dàng hơn.
Cùng niềm vui như ông Công, hàng chục hộ dân ở xóm Lâm Nghiệp, thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long (nay là xã Lương Minh) rất phấn khởi khi cuối năm 2024, công trình đập tràn và đường liên xóm Lâm Nghiệp - Khe Lạn có tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Bởi lẽ, niềm mơ ước bấy lâu nay về tuyến đường không lầy lội, không bị chia cắt vào mùa mưa lũ đã trở thành hiện thực. Sau khi hoàn thành công trình, đã giúp bà con hai bên có thể đi lại thuận tiện hơn, không còn cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập" khi mưa lũ về. Giao thông thuận lợi cũng giúp vận chuyển nông sản dễ dàng hơn, mở ra nhiều cơ hội về phát triển KT-XH cho bà con. Bà Ninh Thị Sinh, thôn Tân Ốc 1 phấn khởi nói: Trước đây đi lại khó khăn lắm, nhiều khi mưa lũ mấy ngày không sang được phía bên kia để mua đồ ăn. Nay có đường bê tông, có ngầm tràn, bà con vui lắm.
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh đã ưu tiên dành nguồn lực lớn từ NSNN và huy động tổng thể các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn; gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, KKT, KCN nhằm thúc đẩy phát triển nhanh bền vững.
Cùng với giao thông, hạ tầng thiết yếu khác như viễn thông, điện, nước ngày càng được củng cố, nâng cấp. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã triển khai 842 dự án hạ tầng thiết yếu, với tổng vốn đầu tư hơn 118.100 tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Những nỗ lực này không chỉ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Đến nay tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G đạt 100%; 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Tỉnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ 100% thẻ BHYT cho hơn 70.000 người DTTS tại các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố. Các đề án chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS được triển khai đồng bộ, bài bản.
Trên lĩnh vực giáo dục, Quảng Ninh đầu tư mạnh mẽ cho trường học vùng sâu, vùng xa, đảm bảo học sinh được học trong điều kiện tốt nhất. Chính sách phân luồng học sinh sau THCS, tư vấn nghề nghiệp, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động đã mở ra cơ hội việc làm bền vững cho thanh niên vùng DTTS. Tỉnh cũng tiên phong trong việc thu hút, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS, từ đó nâng cao năng lực quản trị tại cơ sở.
Cùng với đó, việc khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã phê duyệt các đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương vùng cao, biên giới, đồng bào DTTS trở thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn bản địa như Lễ hội Soóng Cọ, chợ phiên vùng cao, các làng văn hóa dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ...
Công tác quốc phòng, an ninh được gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không xảy ra điểm nóng, đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo.
Kiên trì mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền trong tỉnh, giai đoạn 2026-2030, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU với các nhóm giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản trị và cung cấp dịch vụ công ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Mục tiêu là để mỗi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/suc-bat-cho-vung-kho-3364897.html
Bình luận (0)