Đi cùng với sự trưởng thành của thành phố, nhiều doanh nghiệp gia đình nay đã bước sang giai đoạn chuyển giao thế hệ.
Các doanh nhân F1 - những người đặt nền móng từ những ngày đầu đầy gian khó - đang trao lại trọng trách cho thế hệ F2, F3 - những người trẻ được đào tạo bài bản hơn, có tầm nhìn toàn cầu và khát vọng đổi mới mạnh mẽ.
Trở về để gánh vác sản nghiệp gia đình
Hơn 10 năm trước, khi còn đang đam mê trò chơi nhảy dù mạo hiểm tại Mỹ sau quãng thời gian học ngành quản trị kinh doanh, Kiều Ngọc Phương nhận được một tin nhắn ngắn ngủi từ mẹ ở Việt Nam, báo rằng: sức khỏe của cha cô không ổn.
Tin nhắn ấy như một cú chuyển hướng trong sự nghiệp, khiến Phương lập tức về nước. Từ đó, Phương cùng anh trai Kiều Công Bình bắt đầu tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh của gia đình, Công ty Tân Thanh Container.
Doanh nghiệp này do vợ chồng ông Kiều Công Thanh và bà Trần Diệu Canh gầy dựng từ đầu những năm 1990, từ một xưởng cơ khí nhỏ ở TP Thủ Đức, TP.HCM.
Trong khi ông Thanh tất bật ngoài thị trường, định hướng chiến lược và xây dựng mối quan hệ thì bà Canh giữ vai trò "tay hòm chìa khóa", lo toan tài chính và hậu phương.
Bình và Phương, hai người con từng du học tại Mỹ, chọn trở về Việt Nam và tham gia nhiều vai trò và vị trí khác nhau để tìm hiểu cách vận hành, thấu hiểu mọi ngóc ngách của doanh nghiệp.
Phương nhớ lại: "Chúng tôi không tránh khỏi những lúc nôn nóng muốn khẳng định bản thân. Khi ấy, công ty như một cỗ xe gỗ - vừa cũ, vừa ì ạch".
Thế hệ kế cận như Phương và Bình mang đến tư duy công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, marketing, trong khi thế hệ sáng lập đóng góp kinh nghiệm, định hướng chiến lược và hỗ trợ đối nhân xử thế nhằm xây dựng mạng lưới quan hệ.
Sự bổ sung lẫn nhau giúp thế hệ trước yên tâm trao quyền. Ông Thanh có quan điểm rõ ràng: "Phải để tụi nhỏ tự vươn lên, không được ỷ lại vào thành quả cha mẹ gây dựng".
"Doanh nghiệp gia đình có một số lợi thế đặc thù như ra quyết định nhanh chóng, cởi mở giữa các thành viên... nhưng thách thức chính là việc cân bằng giữa các sự kiện, trách nhiệm gia đình và hoạt động kinh doanh liên tục", Phương nói và cho rằng điều này đòi hỏi kế hoạch phân công và quản lý nhân sự dự phòng rõ ràng để đảm bảo vận hành không bị gián đoạn.
Cùng cha xây giấc mơ vươn ra thế giới
Đặt phía trước bàn làm việc của ông Lê Viết Hiếu (33 tuổi) - phó chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tại trụ sở ở TP.HCM - là một bàn cờ bằng gỗ.
Ông Hiếu kể rằng mỗi lúc có thời gian, ông thường chơi cờ bởi môn thể thao trí tuệ này cũng như hoạt động kinh doanh, cần phải áp dụng chiến thuật và chiến lược của từng nước cờ vào hoạt động kinh doanh của Hòa Bình, làm sao để đi một nước cờ nhưng đạt được nhiều mục đích.
Vị doanh nhân trẻ tuổi này chính là con trai út của ông Lê Viết Hải - chủ tịch của Hòa Bình, một doanh nghiệp có 37 năm phát triển ở TP.HCM.
Dù đi học quy hoạch đô thị ở Mỹ, nhưng về Việt Nam, ông Hiếu có hai năm làm việc trong lĩnh vực thẩm định ngân hàng của một ngân hàng quốc tế để hiểu hơn về môi trường làm việc bên ngoài, trước khi "cập bến" Hòa Bình.
Thời gian đầu khi về, ông đảm nhận vị trí giám đốc phát triển thị trường nước ngoài, phụ trách thị trường Myanmar, xây dựng hoạt động kinh doanh gần như từ con số không. Khi đã quen dần công việc, ông đã đảm trách những vị trí quan trọng hơn của tập đoàn do cha mình sáng lập.
"Làm việc ở Hòa Bình, tôi nhận thức rõ trọng trách lớn đối với gia đình, nhân viên và đối tác, xem đó là động lực tích cực để tôi cố gắng mỗi ngày", ông Hiếu nói.
Sản phẩm của Tập đoàn Biti's, bà Quyên đang tiếp nối truyền thống gia đình mang theo những khát vọng và tầm nhìn mới - Ảnh: TTO
"Làn gió mới" của thương hiệu truyền thống
Với bà Vưu Lệ Quyên (45 tuổi), thế hệ kế thừa của Tập đoàn Biti's, tiếp nối truyền thống gia đình mang theo những khát vọng và tầm nhìn mới. Đặc biệt, vị doanh nhân 8X này có vai trò lớn trong việc đổi mới và hiện đại hóa các dòng sản phẩm của Biti's, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của thương hiệu gần với giới trẻ hơn.
Là con gái của ông Vưu Khải Thành, người sáng lập và chèo lái Biti's, bà Vưu Lệ Quyên cho biết bản thân đã được gia đình chuẩn bị khá kỹ càng cùng với sự dấn thân và đam mê nghề giày của bản thân.
"Từ những năm học phổ thông trung học cho đến khi vào đại học, tôi đã được vào nhà máy để học các cô chú làm giày và trải nghiệm những công đoạn sản xuất ra một chiếc giày".
Theo bà Quyên, trong suốt 20 năm làm việc tại Biti's, bà đã trải qua hầu hết các bộ phận, phòng ban, rất nhiều phòng ban trong số đó là do bà thiết lập mới, làm mới để họ có thể vận hành năng động hơn và chuyên nghiệp hơn.
Bà Quyên cho hay những áp lực khi gánh trên vai truyền thống kinh doanh của gia đình đến từ việc phải thích ứng và thay đổi với thời cuộc, từ sản phẩm, dịch vụ, cách tiếp cận thị trường, công nghệ, cách nghĩ, cách làm, văn hóa công ty đều phải thay đổi vì người tiêu dùng và cả nhân sự công ty cũng đã thay đổi.
"Không thể giữ mãi cách làm truyền thống đã không còn phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Điều giúp mình vượt qua là năng lực thích ứng, khả năng tiếp nhận thử thách, chịu được áp lực, kiên trì kiên nhẫn để vượt qua các thách thức, cùng với sự sáng tạo, chịu làm cái mới, sai đâu sửa đó để tìm ra con đường thành công cho doanh nghiệp", bà Quyên nói.
Theo Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) toàn cầu của PwC năm 2024, chỉ 48% NextGen tại Việt Nam nhận thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình trong doanh nghiệp, thấp hơn so với 53% của thế hệ đương nhiệm.
Hơn một nửa (52%) NextGen gặp khó khăn trong việc hiểu các tiêu chí tuyển dụng thành viên gia đình và lựa chọn thành viên hội đồng quản trị/điều hành, cho thấy sự thiếu minh bạch trong quản trị doanh nghiệp gia đình.
NextGen Việt Nam đang nỗ lực trở thành tác nhân đổi mới, mang lại sự đột phá cho doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, gần một nửa (45%) NextGen cho rằng thế hệ đương nhiệm chưa hiểu biết toàn diện về các cơ hội từ chuyển đổi công nghệ, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (29%). Sự thiếu đồng thuận về tầm nhìn đổi mới giữa hai thế hệ trở thành một rào cản, tạo nên khoảng cách tư duy giữa các thế hệ.
Thế hệ "kế thừa", không phải "thừa kế"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia dịch vụ doanh nghiệp tư nhân tại một tập đoàn tư vấn nhận xét khái niệm "gia đình doanh nhân", tức là cả gia đình cùng hướng đến vai trò kinh doanh, đổi mới, phát triển bền vững đang dần thay thế cho mô hình doanh nghiệp chỉ "thuộc sở hữu gia đình".
Một số doanh nghiệp đã khởi động chuyển giao thế hệ bằng cách cho F2 cơ hội sáng tạo trong phạm vi được kiểm soát, để thế hệ sau có không gian thử nghiệm, nhưng không làm tổn hại hệ thống cũ.
Nhưng cũng có gia đình doanh nhân không bảo ban được nhau, không thể chuyển giao rồi dễ rơi vào mâu thuẫn, phân mảnh, thậm chí mất quyền kiểm soát vào tay cổ đông ngoài gia đình.
Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất trong chuyển giao thế hệ ở doanh nghiệp gia đình là cách thế hệ sáng lập nhìn nhận con cái như những người "thừa kế" chứ chưa phải là người "kế thừa".
Trong khi, nếu được nhìn nhận như những người đồng hành về tầm nhìn, trách nhiệm và quyền hạn, F2 sẽ chủ động hơn, từ đó hình thành năng lực kế thừa một cách tự nhiên. Đây là quá trình "kế thừa" chứ không phải "thừa kế" và cũng là bước then chốt giúp doanh nghiệp gia đình chuyển từ mô hình vận hành cảm tính sang một tổ chức có quy chuẩn, sẵn sàng đối mặt với mọi cạnh tranh.
Sau 50 năm TP.HCM hội nhập và phát triển một cách bền vững - Ảnh: TỰ TRUNG
Viết tiếp hành trình đổi mới
Sau ngày giải phóng 30-4-1975, giữa muôn vàn khó khăn của nền kinh tế chuyển mình, nhiều hộ gia đình tại Sài Gòn - TP.HCM đã bắt đầu những hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát.
Trong điều kiện vật chất khan hiếm, cơ chế kinh tế còn nặng tính bao cấp, họ khởi sự bằng sự kiên cường và sáng tạo: từ tiệm tạp hóa, xưởng thủ công nhỏ, nhà máy thực phẩm cho đến các cơ sở dịch vụ truyền thống như may mặc, in ấn, chăm sóc sức khỏe.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết chúng ta thường nói đến "năng lực nội tại" - thì nội tại lớn nhất của thành phố đã được chứng minh chính là cộng đồng doanh nghiệp. Họ là nền tảng, là động lực để TP.HCM hội nhập và phát triển một cách bền vững.
Sau 50 năm, thành phố đang chứng kiến quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình. Khác với cha ông mình - những người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng trong những giai đoạn kinh tế đầy gian khó, thế hệ doanh nhân tiếp quản những nền tảng sẵn có, đang sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới.
Theo ông Lê Viết Hiếu, sự tin tưởng giữa các thành viên gia đình giúp việc chia sẻ thông tin thuận tiện và đạt mục tiêu nhanh chóng, không bị dè chừng về trách nhiệm cá nhân. Với nền tảng giáo dục bài bản và kinh nghiệm làm việc đa dạng, ông Hiếu đã từng bước tiếp quản vai trò lãnh đạo, cùng ban điều hành đưa Hòa Bình vượt qua nhiều thách thức của thị trường.
Trong dài hạn, ông Hiếu cho biết sẽ cùng với Hòa Bình để vươn ra quốc tế, hiện ông đang nỗ lực xây dựng tổ chức và đội ngũ mang tầm quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn trên thế giới để sẵn sàng với hành trình vươn ra biển lớn.
Trong khi đó, Kiều Ngọc Phương tin rằng hai thế hệ đã bổ trợ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp. "Trong trường hợp có ý kiến khác biệt, quyết định cuối cùng được đưa ra bởi chủ tịch hội đồng quản trị, tuân thủ theo điều lệ công ty và vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp", Phương nói.
Gia đình họ Kiều ba thế hệ duy trì thói quen thường xuyên gặp mặt, ăn tối cùng nhau như một cách gắn kết tình thân và trao đổi thẳng thắn chuyện công việc. Đây cũng là đặc điểm quen thuộc ở nhiều doanh nghiệp gia đình, nơi mà chuyện nhà và chuyện công đan xen như một.
Với vai trò là thế hệ doanh nhân tiếp nối, bà Vưu Lệ Quyên ấp ủ những kỳ vọng lớn lao cho Biti's khi mong muốn mang Biti's vươn tầm châu Á, tạo dấu ấn là một thương hiệu Việt nhân văn, truyền cảm hứng với "sứ mệnh nâng niu hạnh phúc của mọi người".
Khát vọng của lớp doanh nhân trẻ không chỉ dừng lại ở việc duy trì sản nghiệp gia đình, mà còn là mở rộng tầm vóc thương hiệu Việt ra khu vực và thế giới.
Đó là giấc mơ về những thương hiệu "made in Vietnam" hiện diện trên bản đồ kinh tế toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với những tập đoàn đa quốc gia, truyền cảm hứng cho thế giới bằng những giá trị Việt Nam hiện đại và đầy tự hào.
Nguồn: https://tuoitre.vn/suc-song-moi-cua-doanh-nghiep-gia-dinh-tren-vai-nhung-nguoi-thua-ke-20250427090836655.htm
Bình luận (0)