Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường bảo tồn loài gỗ trắc, giáng hương ở miền Tây Quảng Trị

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa thuộc quản lý của Ban Quản lý (QBL) Rừng đặc dụng tỉnh sở hữu đa dạng sinh học phong phú. Số liệu thống kê cho thấy sự đa dạng của cả hệ sinh thái rừng và các loài động, thực vật, trong đó sự đa dạng thực vật là một yếu tố nổi bật. Do đó, việc bảo tồn đa dạng sinh học tại hai khu vực này là vô cùng quan trọng, nhất là với một số loài thực vật quý như gỗ trắc, giáng hương.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị20/05/2025

Tăng cường bảo tồn loài gỗ trắc, giáng hương ở miền Tây Quảng Trị

Cây giáng hương trong vườn nhà ông Hồ Xuân Deng, thôn A Quan, xã Lìa, Hướng Hóa đang phát triển tốt, thân to bằng 2 vòng tay người lớn -Ảnh: Bảo Bình

Tại Khu BTTN Đakrông có tới 1.576 loài thực vật bậc cao, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa sở hữu 1.327 loài. Trong số đó, có khoảng 200 loài được đánh giá là quý hiếm và cần được ưu tiên bảo vệ, được liệt kê trong các danh mục quan trọng như Sách đỏ Việt Nam (2007), IUCN (2024) và Nghị định 84/2021/ NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loại động , thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Những năm gần đây, BQL Rừng đặc dụng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) triển khai dự án điều tra tình trạng quần thể và phân bố của loài trắc (tên khoa học là Dalbergia cochinchinensis) và giáng hương (tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus). Cây trắc đã được đưa vào danh sách bảo vệ CITES từ năm 2013. Điều này có nghĩa là việc mua bán cây trắc phải tuân theo các quy định quốc tế để đảm bảo không bị khai thác quá mức.

Đối với loài giáng hương, dường như loài gỗ quý này đang bị lãng quên trong các chương trình bảo vệ và bảo tồn tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ hành động cụ thể nào được triển khai nhằm tăng cường bảo vệ hoặc khởi động các nỗ lực phục hồi quần thể loài cây này.

Tại vùng Lìa, huyện Hướng Hóa hiện nay vẫn còn nhiều khu vực như trong vườn nhà dân, trên nương rẫy ghi nhận sự tồn tại của cây giáng hương được trồng lâu năm. Qua giới thiệu của cán bộ xã Lìa, chúng tôi được biết gia đình ông Hồ Xuân Deng, ở thôn A Quan hiện sở hữu nhiều cây giáng hương quý hiếm.

Đây là những cây giáng hương được ông đào từ rẫy mang về trồng đã gần 30 năm nay. Nhiều người tìm đến mua nhưng ông không bán. Hay tại khu vực rẫy của ông Hồ Văn Còm, ở thôn Kỳ Tăng có hơn 60 cây giáng hương mọc tự nhiên. Giáng hương ở vùng Lìa thuộc loài quả to, cây càng nhiều năm tuổi thì gỗ càng đỏ và bền.

Với nỗ lực bảo tồn gỗ trắc và giáng hương ở miền Tây Quảng Trị, dự án điều tra tình trạng quần thể và phân bố của loài trắc và giáng hương được triển khai nhằm nghiên cứu để có biện pháp bảo tồn cho loài giáng hương tại các khu vực sinh sống đã biết của loại cây này trong Khu BTTN Đakrông.

Đồng thời hỗ trợ việc chuẩn bị kế hoạch bảo tồn gỗ trắc với chế độ quản lý phù hợp cho quản lý và giám sát quần thể hoang dã, làm giàu môi trường sống để tạo điều kiện tái sinh tự nhiên. Triển khai chương trình sản xuất và trồng lại cây giống dựa vào cộng đồng giúp trồng lại các loài gỗ trắc tại các khu vực sinh sống của cây bị suy thoái.

Dự án cũng sẽ tăng cường và cải thiện năng lực của nhân viên quản lý và bảo tồn cho Khu BTTN Đakrông, cộng đồng địa phương và chủ rừng bằng cách cung cấp hỗ trợ và đào tạo về bảo vệ rừng, giám sát và quản lý để bảo tồn loài trong thời gian dài.

Giai đoạn đầu của dự án tập trung vào việc nghiên cứu sâu rộng tình trạng quần thể trắc hiện tại trong khu vực. Các kết quả nghiên cứu quan trọng này sẽ được chia sẻ rộng rãi với các chi cục kiểm lâm, BQL Rừng đặc dụng tỉnh và đại diện cộng đồng địa phương sinh sống tại vùng đệm của Khu BTTN Đakrông.

Nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng bảo tồn, dự án sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng nghiên cứu quần thể cũng như các biện pháp bảo tồn các loài thực vật nguy cấp. Đối tượng tham gia là kiểm lâm viên, cán bộ kỹ thuật của hai khu bảo tồn và các thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng.

Đặc biệt, dự án chú trọng đến vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn. Các khóa tập huấn về kỹ năng xây dựng và vận hành vườn ươm cộng đồng cơ bản, quy trình xử lý và nhân giống các loài thực vật nguy cấp, trong đó có trắc và giáng hương, cùng kỹ thuật chăm sóc cây giống và trồng rừng sẽ được tổ chức cho các nhóm cộng đồng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, dự án sẽ tiến hành nghiên cứu và đề xuất kế hoạch quản lý và bảo tồn chi tiết cho loài trắc và giáng hương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Một hoạt động quan trọng khác là xây dựng một vườn ươm cộng đồng tại xã Đakrông. Vườn ươm này sẽ là nơi nhân giống ít nhất 12.000 cây trắc, phục vụ cho chương trình trồng phục hồi quần thể loài và góp phần phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Với nỗ lực phối hợp triển khai dự án, Giám đốc BQL Rừng đặc dụng tỉnh Trương Quang Trung cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án và kế hoạch chi tiết cho việc khảo sát và tiếp tục nghiên cứu trên diện rộng về sự phân bố của các loài thực vật. Thường xuyên tuyên truyền vận động người dân không khai thác trái phép các loài thực vật quý hiếm, có giá trị cảnh quan và du lịch bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp.

Để ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, BQL tăng cường công tác bảo vệ rừng, chỉ đạo lực lượng phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm khu bảo tồn và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng trong việc tuần tra, nắm bắt thông tin, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép.

Bảo Bình

Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-cuong-bao-ton-loai-go-trac-giang-huong-o-mien-tay-quang-tri-193760.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm