
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội
Trình bày Báo cáo một số vấn đề của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bao gồm: dự thảo Tờ trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; dự thảo Nghị quyết; Bản so sánh dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành; Báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết.

Nêu vấn đề sửa đổi, bổ sung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tại dự thảo Nghị quyết bổ sung vào khoản 1 Điều 11 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long
Không quy định cứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra; theo đó, việc trình bày hoặc không trình bày báo cáo thẩm tra (chỉ gửi báo cáo thẩm tra đến đại biểu Quốc hội) đối với từng nội dung sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật, nghị quyết có liên quan hoặc được Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể, căn cứ điều kiện thực tiễn khi thông qua chương trình kỳ họp để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Sửa đổi khoản 1 Điều 20 theo hướng yêu cầu gửi tài liệu sớm hơn đến đại biểu Quốc hội, cụ thể là: dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua (quy định hiện hành là 24 giờ).

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng báo cáo một số nội dung khác các cơ quan có ý kiến gồm: số lượng kỳ họp thường lệ và cách đánh số thứ tự các kỳ họp; thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội; tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội; việc giải trình ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội…
Cần có quy định để phân bổ thời gian họp của Quốc hội hiệu quả
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ban soạn thảo trong một thời gian ngắn đã khẩn trương, trách nhiệm xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết; đồng thời, lưu ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội trong điều kiện đang triển khai Quốc hội điện tử, Quốc hội số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tại khoản 2, Điều 40 của Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật hiện hành quy định trình bày báo cáo thẩm tra là việc bắt buộc thực hiện trong trình tự Quốc hội thông qua dự thảo luật, nghị quyết. Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để thống nhất cách thể hiện về thủ tục trình bày báo cáo thẩm tra tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết. Để bảo đảm thực hiện thống nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tại Kỳ họp thứ Chín tới đây có thể không trình bày báo cáo thẩm tra.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo một số vấn đề của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
Về tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ, Chính phủ đề nghị bỏ quy định gửi báo cáo giải trình thảo luận tại tổ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cơ chế thể hiện ý kiến đại biểu Quốc hội tại mỗi kỳ họp là ở thảo luận tại tổ và hội trường. Thảo luận ở tổ thường sẽ được nhiều ý kiến hơn thảo luận tại hội trường. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần giữ quy định về gửi báo cáo giải trình thảo luận tại tổ trong Nội quy kỳ họp; nghiên cứu bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo thực hiện để tạo sự thống nhất, khách quan cùng với báo cáo trình tiếp thu của Chính phủ. Trong tổng hợp thảo luận tại tổ cũng cần chọn lọc những vấn đề lớn, những vấn đề có tính chất chi phối, không đưa ra những vấn đề nhỏ.
Nêu khái quát những yêu cầu đối với việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sửa đổi Nội quy kỳ họp lần này cần bảo đảm tăng cường tính minh bạch, công khai. Nâng cao chất lượng thảo luận bằng quy định thời gian phát biểu để tránh lan man, bảo đảm mỗi ý kiến đều tập trung vào trọng tâm vấn đề. Quốc hội tới đây cần tăng cường tương tác với cử tri thường xuyên hơn, không chỉ thông qua các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp như hiện nay.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định biện pháp để xử lý nghiêm việc đại biểu Quốc hội nghỉ thường xuyên; quy định về sử dụng điện thoại bảo đảm không ảnh hưởng đến các phiên họp toàn thể của Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần có quy định "quét" về ứng dụng công nghệ; phân bổ thời gian họp của Quốc hội hiệu quả, chủ trì các phiên họp cần có tính toán hợp lý cho từng nội dung, tránh tình trạng kéo dài hoặc rút ngắn không cần thiết; quy định thời gian nghỉ giữa các đợt họp của Quốc hội...
Để tăng cường giám sát việc thực hiện Nội quy kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội cần chú ý lãnh đạo, chỉ đạo để có thể triển khai giám sát thực hiện Nội quy kỳ họp.
“Tại Kỳ họp thứ Chín có nhiều nội dung, nhiều nội dung lớn nhưng vẫn phải bảo đảm quy trình, thủ tục. Bảo đảm nguyên tắc “lạt mềm buộc chặt, chú ý bảo đảm chất lượng các nội dung của kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, trong quy định về lưu trữ tài liệu phục vụ kỳ họp cần bổ sung hình ảnh, video, tài liệu chính thức phục vụ kỳ họp gồm luật, nghị quyết của Quốc hội, biên bản ghi âm, ghi hình. “Các bài phát biểu không chỉ được ghi âm, bóc băng mà còn ghi hình để sau này có thể trở thành tư liệu lịch sử”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, quy định về việc trình bày tờ trình cần có tính linh hoạt, bảo đảm khuyến khích thời gian trình bày ngắn hơn, vì hồ sơ dự thảo luật, nghị quyết không phải đến phiên họp mới gửi cho đại biểu Quốc hội.
Về việc cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trong điều kiện cấp bách, khẩn thiết, nhiều nội dung trong kỳ họp của Quốc hội như Kỳ họp thứ Chín tới thì có thể không đọc báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, trong Nội quy kỳ họp không thể quy định không trình bày báo cáo thẩm tra, vì đây là một quy trình, thủ tục được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định và thuộc chức năng của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cơ bản về phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội và nội dung sửa đổi Nghị quyết 31 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn một số nội dung của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, làm rõ thêm một số vấn đề như: bổ sung trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và các cơ quan Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về quản lý tài liệu lưu trữ; khuyến khích trình bày tờ trình dự án luật, nghị quyết từ 5 - 7 phút; không quy định cứng trình bày báo cáo thẩm tra, tùy tình hình cụ thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ điều hành cụ thể việc trình bày hay không trình bày báo cáo thẩm tra…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-minh-bach-cong-khai-bao-dam-ky-luat-ky-cuong-post411146.html
Bình luận (0)