Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

rong những năm qua, công tác truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những bước chuyển tích cực, góp phần thay đổi nhận...

Báo Lai ChâuBáo Lai Châu30/06/2025

Là tỉnh vùng cao biên giới với trên 84% dân số là người dân tộc thiểu số, Lai Châu gặp không ít khó khăn khi triển khai các chương trình về bình đẳng giới. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, công tác truyền thông bình đẳng giới đã và đang tạo được hiệu ứng rõ nét trong cộng đồng.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã phát hành hơn 30.900 tài liệu truyền thông về bình đẳng giới; Báo Lai Châu đăng tải gần 1.000 tin, bài, video, ảnh phản ánh các mô hình, gương điển hình và chính sách pháp luật về giới. Các phương tiện truyền thông từ tỉnh đến cơ sở đã phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự; phát hành 30.933 tờ rơi, tờ gấp, treo 1.221 băng rôn, banner, truyền thông lưu động được 336 đợt; tổ chức 3.310 buổi sinh hoạt chuyên đề và 1.379 cuộc thi tuyên truyền, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia. Ngoài ra, hơn 95% hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố đã được rà soát, sửa đổi đảm bảo không có nội dung phân biệt đối xử về giới.



Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vàng Ma Chải huyện Phong Thổ tuyên truyền vận động các gia đình sống bình đẳng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trao đổi với phóng viên, chị Tòng Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ cho biết: “Thông qua các mô hình như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình hạnh phúc bền vững”… chúng tôi đã tiếp cận hàng nghìn hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số, giúp chị em nâng cao hiểu biết, tự tin tham gia phát triển kinh tế, xã hội và chủ động phòng ngừa bạo lực giới”.

Không chỉ hướng đến phụ nữ, các chương trình còn khuyến khích sự tham gia tích cực của nam giới. Hình ảnh người cha chăm con, người chồng sẻ chia công việc gia đình hay những trưởng bản người dân tộc thiểu số đứng ra tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn đã trở thành minh chứng sinh động về những chuyển biến trong cộng đồng. Ông Phàn A Tính - người có uy tín ở bản Sin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Chúng tôi được tập huấn và tham gia các hoạt động truyền thông cộng đồng. Là người dân tộc, tôi hiểu phong tục xưa có nhiều điều chưa phù hợp, nhất là về chuyện tảo hôn hay việc phụ nữ ít được ra ngoài học hành, làm ăn. Giờ mình nói ra, bà con nghe và thay đổi dần rồi”.



Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bản Lang động viên hội viên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Trong 5 năm triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới, tỉnh Lai Châu đã đạt kết quả tích cực ở cả 5 chỉ tiêu trọng tâm. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức ít nhất 2 cuộc truyền thông pháp luật về giới; toàn tỉnh duy trì triển khai hiệu quả Tháng hành động vì bình đẳng giới. Tỷ lệ người dân có nhận thức cơ bản về giới đạt 60%. 70% cơ quan truyền thông đã áp dụng thí điểm Bộ chỉ số giới và 95% hương ước, quy ước cộng đồng được rà soát, loại bỏ nội dung phân biệt giới. Các kết quả cho thấy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bình đẳng, văn minh trong cộng đồng.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai chương trình truyền thông bình đẳng giới ở Lai Châu vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Địa hình chia cắt, dân trí không đồng đều, còn định kiến giới trong cộng đồng dân cư, một số cán bộ cơ sở chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng truyền thông. Một số ít bộ phận người dân chưa thay đổi tư tưởng, quan niệm truyền thống về vai trò giới dẫn đến khó khăn trong công tác truyền thông. Thiếu nguồn lực, phương tiện để triển khai truyền thông hiện đại đến các địa bàn khó khăn. Việc đo lường, đánh giá hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới chưa được thực hiện thường xuyên.

Hướng tới giai đoạn 2026 - 2030, Lai Châu tiếp tục xác định mục tiêu: đảm bảo tất cả người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận đầy đủ, chính xác về bình đẳng giới; phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% hương ước, quy ước không có nội dung phân biệt giới và tăng nhận thức của cộng đồng thêm 10–15% so với năm 2025.

Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ chú trọng ứng dụng nền tảng số trong truyền thông, tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ và cộng tác viên cơ sở, tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu phát triển mà còn là giá trị đạo lý, là thước đo văn minh của mỗi cộng đồng. Việc tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp về bình đẳng giới sẽ góp phần xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Nguồn: https://baolaichau.vn/y-te/tang-cuong-truyen-thong-binh-dang-gioi-lan-toa-thong-diep-nhan-van-tren-dia-ban-tinh-1383975


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm