Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng phụ cấp ưu đãi để chặn “làn sóng” giáo viên mầm non nghỉ việc

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, có khoảng 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ở bậc mầm non cao, khoảng 1.600 giáo viên, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân16/05/2025

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do công việc của giáo viên mầm non vất vả, áp lực nhưng thu nhập, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi để giáo viên mầm non yên tâm gắn bó với nghề.

5dbdbcec-55d1-4be1-a9a0-e33e74681437.jpg -0
Thu nhập thấp, áp lực công việc lớn đang làm giảm động lực gắn bó với nghề của giáo viên mầm non. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Theo Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập vừa được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến rộng rãi, mức phụ cấp ưu đãi đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ được điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi công bằng cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Cụ thể, dự thảo Nghị định mới điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi theo nghề. Trong đó, giáo viên mầm non được đề xuất tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc. Giáo viên trường dự bị đại học được đề xuất nâng phụ cấp từ 50% lên 70%, ngang bằng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo công bằng cho các nhiệm vụ tương đồng. Nhân viên trường học được bổ sung phụ cấp lần đầu tiên, với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ (thư viện, văn thư,...), 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung (kế toán, y tế...) và 25% cho chức danh chuyên ngành, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của họ..

Bộ GD&ĐT cho biết, tổng thu nhập của giáo viên mầm non hiện nay chưa tương xứng với tính đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp: Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9-10 giờ/ngày… Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp nhất so với các cấp học khác (hệ số lương khởi điểm 2,10, phụ cấp 35%, tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng).

Mức lương quá thấp không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn đến tỷ lệ giáo viên mầm non nghỉ việc cao, với 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.

Tương tự, hiện nay mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với giáo viên trường dự bị đại học chưa công bằng so với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú. Mặc dù, có mức độ phức tạp công việc tương đồng nhưng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với giáo viên trường dự bị đại học là 50% trong khi đó giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 70%.

Riêng đối với nhân viên trường học, đối tượng này hiện chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề. Hiện nay, đa số các vị trí nhân viên áp dụng bảng lương của viên chức loại B hoặc A0 theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, là hai bảng lương thấp nhất trong các bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, các vị trí viên chức thiết bị thí nghiệm, giáo vụ, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật chỉ có 1 hạng nên không có cơ hội để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và được áp dụng bảng lương có hệ số lương khởi điểm cao hơn, khoảng cách lương giữa các bậc dài hơn, dải lương rộng hơn; các vị trí nhân viên khác thực tế cơ hội để thăng hạng rất hiếm.

Với mức thu nhập và yêu cầu công việc như hiện nay, cơ sở giáo dục khó tuyển dụng được các vị trí việc làm nhân viên chuyên trách, các nhiệm vụ của nhân viên nhằm hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục không được đầy đủ, kịp thời và bảo đảm chất lượng theo yêu cầu…

Nhiều ý kiến đồng thuận với những điều chỉnh trong Dự thảo Nghị định liên quan đến chế độ phụ cấp đối với giáo viên mầm non, giáo viên trường dự bị đại học và nhân viên trường học. Những điều chỉnh này nhằm khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành, đảm bảo quyền lợi công bằng và thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thực tế cho thấy, những bất cập trong chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, nhân viên trường học… đã và đang làm giảm động lực gắn bó với nghề, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự ổn định của đội ngũ nhân sự ngành Giáo dục, đòi hỏi cần có một quy định mới để đảm bảo công bằng và hỗ trợ hiệu quả hơn.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nghề giáo vốn được coi là nghề cao quý, thế nhưng do mức lương quá thấp trong khi áp lực công việc lớn nên nhiều giáo viên đã phải chấp nhận bỏ nghề. Trong số này giáo viên mầm non đang chiếm tỷ lệ lớn.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, đối với giáo viên mầm non hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ nghề không chỉ bởi do chính sách tiền lương, phụ cấp còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống mà còn là cơ hội thăng tiến đối với họ hầu như không có; áp lực công việc thì ngày càng gia tăng. Hiện, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%. Mức phụ cấp ưu đãi này cần được tăng lên phù hợp với điều kiện của từng địa phương giúp các giáo viên có thể đủ trang trải cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.

Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/tang-phu-cap-uu-dai-de-chan-lan-song-giao-vien-mam-non-nghi-viec-i768518/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm