
Với mục tiêu phát triển bền vững, tăng nguồn thu ổn định, du lịch golf được các địa phương chú trọng đầu tư, tạo nên hệ sinh thái du lịch kết hợp thể thao với khám phá văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực... làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến.
Định vị điểm đến du lịch golf thế giới
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, những năm qua, du lịch golf của Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch, góp phần mang lại giá trị cao cho doanh thu của toàn ngành. Doanh thu từ du lịch golf đã đạt 600 triệu USD vào năm 2022 và dự kiến cán mốc 1 tỷ USD trong năm 2025, đóng góp khoảng 8 - 10% tổng doanh thu du lịch quốc gia.
Tính đến năm 2025, Việt Nam có hơn 80 sân golf 18 hố đạt chuẩn quốc tế đang hoạt động. Các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp, có sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa từng địa phương nên hấp dẫn du khách. Những cái tên như The Bluffs Grand Ho Tram Strip (lọt top 100 sân golf thế giới), Laguna Lăng Cô, Hoiana Shores Golf Club hay Ba Na Hills Golf Club... đã khẳng định chất lượng, thu hút hàng triệu lượt golf thủ quốc tế mỗi năm.
Danh tiếng của thị trường golf Việt Nam cũng được khẳng định ở nhiều giải thưởng quốc tế uy tín. Trong 8 năm liên tiếp (2017 - 2024), Việt Nam được Tổ chức Golf Thế giới (WGA) vinh danh là “Điểm đến golf hàng đầu châu Á” và “Điểm đến golf tốt nhất thế giới” 2 lần (năm 2019, 2021). Nhiều địa phương của Việt Nam cũng được vinh danh là điểm đến golf uy tín, chất lượng. Điển hình như Thủ đô Hà Nội 2 năm liên tiếp được WGA vinh danh là "Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới” (năm 2023 và 2024).
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, các giải thưởng được ghi nhận cho thấy tiềm năng, lợi thế rất lớn của du lịch golf Việt Nam, đồng thời khẳng định năng lực tổ chức các giải golf mang tầm quốc tế, có thể đáp ứng được những dòng khách cao cấp và khó tính.
“Du lịch golf là sản phẩm du lịch tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là nhóm khách từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Trung Đông... Việc phát triển du lịch golf không chỉ là phát triển loại hình thể thao cao cấp mà còn giúp phát triển hệ sinh thái du lịch đẳng cấp, từ cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất với hệ thống khách sạn, lưu trú, nhà hàng 5 sao. Vì thế, chủ trương của ngành Du lịch Việt Nam là phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf theo hướng bền vững, đây được xem là một trong những định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam những năm tới” - ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Xây dựng thương hiệu du lịch khác biệt
Mặc dù có rất nhiều lợi thế, được nhiều địa phương đầu tư các sân golf lớn, song theo các chuyên gia, du lịch golf Việt Nam vẫn còn nằm ở diện “tiềm năng”, chưa thật sự trở thành sản phẩm thế mạnh có tính bền vững.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, sản phẩm du lịch golf vẫn bị hạn chế do còn thiếu các sân golf được đầu tư đồng bộ, có tính kết nối với các tuyến du lịch trải nghiệm. Tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến chơi golf chưa cao trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo)...
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, du lịch golf tại Việt Nam còn khá đơn giản, khách đến chủ yếu là để chơi golf, ít đi khám phá, trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên bản địa. Lý do là Việt Nam thiếu sản phẩm kết nối giữa golf và các hoạt động văn hóa, trải nghiệm; hoạt động truyền thông, quảng bá chưa hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế, đưa du lịch golf thành sản phẩm chủ lực thu hút khách cao cấp, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Việt Nam cần tổ chức nhiều giải golf lớn, quy tụ những người chơi danh tiếng để nâng tầm điểm đến và tăng sức ảnh hưởng trong quảng bá. Bên cạnh đó, để du lịch golf phát triển mạnh, cần xây dựng các sản phẩm tour liên kết giữa hoạt động chơi golf với khám phá văn hóa, ẩm thực bản địa.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, cần có sự liên minh các doanh nghiệp golf để tạo thành một hệ thống dịch vụ chất lượng, đẳng cấp, xây dựng thương hiệu du lịch golf cho từng địa phương một cách bài bản và khác biệt.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Gregory John Norman (gọi tắt là Greg Norman) - huyền thoại golf thế giới - đảm nhiệm vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển golf như một sản phẩm mũi nhọn, vì thế, việc trao danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam cho ông Greg Norman sẽ tạo nên một gương mặt đại diện thương hiệu chuyên nghiệp, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là du lịch golf. Thời gian tới, Đại sứ Du lịch Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, trong đó tập trung vào du lịch golf, nhằm mục tiêu thu hút thêm nhiều khách quốc tế, nhất là phân khúc khách cao cấp đến Việt Nam ngay trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Nguồn: https://baolaocai.vn/tang-toc-phat-trien-du-lich-golf-post649852.html
Bình luận (0)