Chiều ngày 6/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Cần có chính sách thu hút, bảo vệ các nhà khoa học
Theo đại biểu Lê Thị Vân (đoàn Bắc Ninh), Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò động lực then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, đưa đất nước vượt qua thách thức, phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, song để Luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tối đa, đại biểu Lê Thị Vân cho rằng cần rà soát để tránh chồng chéo với các luật khác, đặc biệt là các luật về đầu tư, doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, ngân sách nhà nước là vô cùng quan trọng. Sự thiếu đồng bộ có thể gây khó khăn, lúng túng cho cả cơ quan quản lý và đối tượng thực thi, làm giảm hiệu lực của chính sách.
Về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ (Điều 25) quy định về xử lý tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đối mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng, đây một quy định có tính đột phá, tháo gỡ một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra quy định này còn chung chung dễ dẫn đến việc các nhà khoa học, tổ chức khoa học ngần ngại đầu tư trang thiết bị hoặc không dám xử lý tài sản sau nhiệm vụ vì sợ sai phạm.
Từ đó, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc thực tiễn này như: Cần làm rõ "tài sản trang bị" bao gồm những gì? Ngoài ra cũng cần có quy định chi tiết về trách nhiệm hạch toán, theo dõi; cơ chế kiểm tra, giám sát; và đặc biệt là quy định về việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản sau khi kết thúc nhiệm vụ khoa học công nghệ.
![]() |
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết phải để ban hành Luật Khoa học-Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: DUY LINH |
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết phải để ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Về nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu cho rằng có rất nhiều nhóm nội dung, do đó nên “gom” lại thành một số nhóm chính sách lớn và các chính sách này cần phải cụ thể hóa tại các điều luật giúp cho việc thực hiện khả thi và có hiệu quả trong quá trình thực hiện áp dụng.
Liên quan quy định về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 9), đại biểu bày tỏ nhất trí cần phải có cơ chế để bảo vệ cho các nhà khoa học cũng như giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học. Tuy nhiên, đối với nghiên cứu cơ bản, đại biểu đề xuất có thể nghiên cứu mở rộng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn. Song, đối với nghiên cứu ứng dụng, theo đại biểu phải siết chặt hơn, gắn với các mục tiêu rất cụ thể bởi đã có nền tảng cơ bản và khi đã đưa vào ứng dụng thì đã kiểm soát được khá lớn sự rủi ro.
![]() |
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị cần có các chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm đối mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm của cá nhân. Ảnh: DUY LINH |
Quan tâm đến các chính sách thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị cần có các chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm đối mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm của cá nhân. Cụ thể, cần có các chính sách hỗ trợ cá nhân về tài chính, thuế và đơn giản thủ tục hành chính, các cơ chế thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi cho cá nhân về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, môi trường làm việc.
Đi cùng với đó, xem xét bổ sung nội dung xây dựng chương trình đạo tạo công nghệ, tích hợp nội dung về lập trình, AI,... vào chương trình giáo dục phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông và có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về công nghệ. Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ để đào tạo nhân lực sát với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện để sinh viên và nhà khoa học trẻ có thể tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, cho ý kiến vào dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học, công nghệ, dựa vào giáo dục đào tạo, đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về việc cần tăng cường hơn nữa các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, dự thảo Luật chưa có quy định điều khoản cụ thể nào về đột phá ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: DUY LINH |
"Chúng ta cần quy định rõ, mạnh mẽ các ưu đãi thuế, thí dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học; thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ...", Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các chính sách ưu đãi cho nguồn nhân lực như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao hơn, định hướng ngành nghề sớm cho học sinh, sinh viên; có các chương trình đào tạo liên ngành...
Chỉ ra thực tế vừa qua cho thấy, nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng vào thực tiễn hoặc thương mại hóa dẫn đến lãng phí nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tới đây cần khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, bảo đảm đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; quy định ưu tiên mua sắm công với các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học, các viện nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ sinh thái như: doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...; có cơ chế chặt chẽ như mô hình đổi mới sáng tạo hoặc đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp; thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, tích hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, tạo động lực cho hệ sinh thái bền vững; bổ sung chính sách hỗ trợ các trung tâm đổi mới sáng tạo kết nối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay dư luận xã hội, các nhà khoa học đang hết sức quan tâm đến dự án Luật này.
“Chúng ta xây dựng luật mới mà không có tính đột phá, thực hiện hiệu quả không cao thì không đáp ứng được yêu cầu. Luật lần này phải đột phá hơn, mạnh mẽ hơn, mới hơn Nghị quyết số 193 của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/tao-dot-pha-manh-me-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post877699.html
Bình luận (0)