“Quản lý di tích lịch sử nhưng phải gắn với xu hướng của phát triển đương đại, mở ra không gian phát triển để phát huy giá trị một cách hài hoà với xã hội”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân gợi ý tại buổi kiểm tra các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn TP Cà Mau, chiều 9/4.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh đã đến kiểm tra hiện trạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia trên địa bàn Phường 2, gồm: Hồng Anh Thư Quán và Nhà Dây Thép.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân (bìa trái) kiểm tra, tham quan di tích lịch sử - văn hoá Hồng Anh Thư Quán và trao đổi, gợi ý với Giám đốc Bảo tàng tỉnh, ông Lê Minh Sơn (đơn vị quản lý) về những việc cần làm ngay nhằm phát huy giá trị di tích.
Hiện trạng, Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Hồng Anh Thư Quán đang xuống cấp nghiêm trọng vì đã có tuổi đời trên 100 năm tuổi, khó phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, nhất là sự an toàn trong việc tham quan của du khách. Đối với Di tích lịch sử - văn hoá Nhà Dây Thép, hiện đang trong quá trình trùng tu, cải tạo, sớm đưa vào hoạt động trở lại.
Di tích Hồng Anh Thư Quán toạ lạc tại số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX dưới thời chủ quận Metaye người Pháp. Đây là một căn trong dãy nhà lầu 2 tầng được làm nhà hàng, phòng ngủ có tên Á Châu. Vào đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, khi phong trào đấu tranh cách mạng dâng cao ở khắp nơi trong cả nước, tại ngôi nhà này đã hình thành cơ sở Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội có tên gọi Hồng Anh Thư Quán. Nhiệm vụ chính của Hồng Anh Thư Quán là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê Nin cho Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên yêu nước, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Cà Mau. Hồng Anh Thư Quán từng là hiệu sách của chi hội, cung cấp các loại sách báo tiến bộ, trong đó có “Tự bản luận” của Mác và Ăng ghen.
Đối với Di tích Nhà Dây Thép (toạ lạc tại đường Lê Lợi, Phường 2, TP Cà Mau), vốn là nhà Bưu điện của thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp những năm 1930, các chiến sĩ cách mạng lấy nơi đây làm điểm liên lạc và từ đây các cơ sở đảng ở Cà Mau ngày càng phát triển. Cũng chính từ điểm liên lạc Nhà Dây Thép, các chỉ thị của cấp trên đến được với các chi bộ, đảng viên, kịp thời tập trung chỉ đạo đường lối đấu tranh, phát động đấu tranh trong quần chúng Nhân dân, giành được nhiều thắng lợi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân kiểm tra, tham quan Di tích lịch sử - văn hoá Nhà Dây Thép.
Nhằm phát huy giá trị các di tích nói chung và trên địa bàn TP Cà Mau nói riêng, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong tu sửa, cải tạo nhằm đảm bảo tính an toàn cần phải căn cứ trên cơ sở nguyên mẫu, không được sai lệch vì đây đã là di tích lịch sử - văn hoá. Để di tích phát huy giá trị và gần gũi hơn với đời sống xã hội, cần đề cao công tác xã hội hoá nhằm tạo không gian phát triển…
Trần Nguyên
Nguồn: https://baocamau.vn/tao-khong-gian-phat-huy-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-a38264.html
Bình luận (0)