Trong kỷ nguyên số, hạ tầng số đóng vai trò huyết mạch, là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quá trình CĐS trên mọi lĩnh vực. Từ chính quyền điện tử, y tế, giáo dục đến thương mại và dịch vụ công, hạ tầng số mạnh mẽ sẽ giúp kết nối liền mạch các hệ thống dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thông minh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và mang lại những tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai Đề án 06/CP (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn tỉnh càng cho thấy tầm quan trọng của hạ tầng số trong việc xây dựng một hệ thống quản lý dân cư hiệu quả và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao. Khi có nền tảng công nghệ vững chắc và các nền tảng số liên thông, An Giang hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ kinh tế số, thu hút đầu tư từ các lĩnh vực công nghệ cao, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số minh bạch và hiệu quả.
Ra mắt Bệnh án điện tử VNPT-EMR, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số lĩnh vực y tế
UBND tỉnh đã chủ động hợp tác với Tập đoàn VNPT để xây dựng một hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng, đảm bảo kết nối thông suốt và an toàn đến 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống này đã được triển khai thành công đến tất cả 155 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các ứng dụng và dịch vụ số trong thời gian tới.
Bước tiến quan trọng tiếp theo trong hành trình CĐS của An Giang là việc chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS giai đoạn 2025 - 2030 giữa UBND tỉnh và Tập đoàn VNPT vào ngày 26/3 vừa qua. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh CĐS quốc gia đến năm 2030. Nghị quyết này nhấn mạnh vai trò cốt lõi của việc xây dựng hạ tầng số, dữ liệu số và các nền tảng số trong việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Do đó, sự hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh và VNPT là bước đi cụ thể, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn của quốc gia trong lĩnh vực CĐS.
Ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2025 – 2030 giữa UBND tỉnh và Tập đoàn VNPT
Theo thỏa thuận hợp tác, VNPT cam kết sẽ đồng hành cùng UBND tỉnh An Giang trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp CĐS toàn diện trên 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, VNPT sẽ hỗ trợ An Giang phát triển hạ tầng số hiện đại, xây dựng nền tảng dữ liệu đồng bộ và hệ thống điều hành thông minh. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ chú trọng nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mọi thành phần đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ CĐS.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng, CĐS là xu thế tất yếu, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và sự phát triển bền vững của tỉnh An Giang nói riêng. Trong quá trình thực hiện CĐS, An Giang đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực trọng yếu như y tế, giáo dục, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, chỉ đạo và điều hành từ xa, cũng như triển khai các ứng dụng và nền tảng số phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Để đảm bảo thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ, đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình triển khai. Đồng thời, yêu cầu Tập đoàn VNPT khi phối hợp thực hiện CĐS tại An Giang, cần nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực trạng và đặc thù địa phương. Đặc biệt, gợi ý VNPT nghiên cứu triển khai ứng dụng “học tập suốt đời” trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tri thức và kỹ năng mới một cách dễ dàng.
Thời gian qua, VNPT đã chứng minh vai trò là đối tác tin cậy của tỉnh thông qua việc cung cấp nhiều giải pháp công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh. Điển hình là việc triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng, hệ thống giám sát và xử lý mã độc, Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống văn phòng điện tử liên thông các cấp. Trong lĩnh vực y tế, VNPT đã triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, quản lý khám, chữa bệnh, phòng khám, đặc biệt là hệ thống Bệnh án điện tử (VNPT EMR). Đáng chú ý, VNPT đã phối hợp thành công với 2 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai bệnh án điện tử, hệ thống này đã được Bộ Y tế thẩm định đạt chuẩn và công bố vào tháng 1/2025. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, VNPT đang tích cực phối hợp với 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để triển khai bệnh án điện tử theo đúng tiến độ. Trong lĩnh vực giáo dục, VNPT đã đồng hành cùng ngành giáo dục An Giang triển khai nhiều giải pháp CĐS hiệu quả như phần mềm quản lý trường học, sổ liên lạc điện tử, học bạ số, hệ thống tuyển sinh đầu cấp và thu phí không dùng tiền mặt. |
PHƯƠNG LAN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-day-manh-hop-tac-chuyen-doi-so-a419079.html
Bình luận (0)