Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thanh Hóa khẳng định vị thế, nâng tầm du lịch

Với hướng đi đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch Thanh Hóa đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch23/04/2025

Thanh Hóa khẳng định vị thế, nâng tầm du lịch - Ảnh 1.

Nguồn tài nguyên di sản phong phú là điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch

Hội tụ tiềm năng, lợi thế

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Nằm ở cực Bắc miền Trung của Tổ quốc, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình từ đường bộ, đường sắt Bắc Nam, cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng hàng không kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế, với hơn 1.535 di tích và danh thắng.

Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn... hệ thống giao thông đồng bộ; cùng với tiềm năng có cả ba vùng sinh thái là vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển, đó là cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư bài bản và chất lượng.

Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký gần 153.000 tỉ đồng, trong đó, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch, như Vingroup, Sungroup, Flamingo, FLC… đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi đẳng cấp, quy mô lớn tại Thanh Hóa.

Riêng trong năm 2024, bên cạnh các điểm đến đã khẳng định thương hiệu, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam như Tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Ibiza (Hoằng Hóa); Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, công viên nước Sun World, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (TP Sầm Sơn)…

Nhiều hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa với các địa phương, đơn vị trong nước, cùng nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch Thanh Hóa đã được tổ chức tại Hàn Quốc; Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New zealand, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp du lịch thông qua các hội nghị ký kết hợp tác phát triển du lịch tiếp tục được thực hiện, tổ chức đón nhiều đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc về khảo sát, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch…

Ngoài việc thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức thành công 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, có quy mô, chất lượng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch được tổ chức trải dài trong năm góp phần hiện thực hóa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch.

Nhờ đó trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Lượng tìm kiếm về du lịch Thanh Hóa tăng nhanh, nằm trong top đầu cả nước.

Sự tăng trưởng của ngành Du lịch Thanh Hóa đã chứng minh cho niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ, cùng đó đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của tỉnh.

Năm 2024, ngành Du lịch Thanh Hóa đón 15.300.000 lượt khách, tăng 22,5% so với năm 2023, đạt 110,9% kế hoạch năm 2024, (trong đó khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt khách); tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2023, đạt 104,4% kế hoạch năm 2024 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 375.000.000 USD).

Thanh Hóa khẳng định vị thế, nâng tầm du lịch - Ảnh 2.

Quảng trường biển Sầm Sơn, điểm nhấn của du lịch Thanh Hóa

Hướng tới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Năm 2024, có thể nói rằng là một năm đột phá về đích của thu hút đầu tư du lịch, văn hóa khi mà nhiều sản phẩm, các gói dịch vụ mới hấp dẫn, chất lượng cao được đưa vào khai thác và phục vụ khách du lịch sau một quá trình thu hút đầu tư, đây được xem là một cú hích rất lớn, tạo sự bứt tốc để thu hút khách du lịch”.

Để du lịch giữ đà tăng trưởng, bà Yến cho biết tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm.

Tăng cường liên kết với các địa phương trong công tác thương hiệu - quảng bá tiếp thị, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin giữa Thanh Hóa với các địa phương trên cả nước về những chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của các địa phương để cùng tham gia, quảng bá du lịch.

Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện các sự kiện xúc tiến, ngoại giao du lịch trong nước và quốc tế. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các gói kích cầu du lịch hấp dẫn với phương châm “tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành”.

Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương, trên website, nền tảng số và tại các cảng hàng không trọng điểm trên cả nước.

Cũng theo bà Yến, du lịch Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều khó khăn nội tại cần vượt qua và cả những thách thức khách quan phải đối mặt.

Song, du lịch cũng đang đứng trước cơ hội mới để cất cánh, đó là Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Có thể khẳng định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua đã tạo đà cho các địa phương, các nhà đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

“Năm 2025, ngành VHTTDL Thanh Hóa tổ chức 150 sự kiện, trong đó có 89 sự kiện văn hóa, 25 sự kiện thể thao và 36 sự kiện du lịch. Đây sẽ là “đòn bẩy” giúp Thanh Hóa thực hiện thắng lợi mục tiêu đón 16.000.000 lượt khách du lịch, đồng thời lan tỏa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn””, bà Yến cho hay.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/thanh-hoa-khang-dinh-vi-the-nang-tam-du-lich-20250423164240996.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm