Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thanh niên Tiền Phong góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám

80 năm sau thắng lợi, Cách mạng Tháng Tám vẫn là dấu son đáng tự hào. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Quốc có những chia sẻ cùng Báo và phát thanh, truyền hình Tây Ninh về những điểm nhấn, dấu tích lịch sử còn lưu giữ và tinh thần tiên phong của tỉnh ta trong khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ.

Báo Long AnBáo Long An18/07/2025

Tranh vẽ của họa sĩ Hoàng Tuấn vẽ lại cuộc mít-tinh giành chính quyền thắng lợi tại Tân An ngày 20/8/1945 (Ảnh chụp lại tranh vẽ tại Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận)

- Phóng viên (PV): Thưa ông, nhiều tư liệu cho thấy lực lượng Thanh niên Tiền phong có vai trò rất đặc biệt trong phong trào Cách mạng Tháng Tám tại miền Nam, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Tấn Quốc: Thanh niên Tiền phong là một tổ chức quần chúng đặc biệt ra đời vào thời kỳ Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Thống đốc Nhật ở Nam Kỳ là Minoda Fujio và Ida - Quyền Tổng trưởng Thanh niên - Thể thao Đông Dương lúc đó chủ trương thành lập để tập hợp lực lượng Thanh niên Tiền phong từ trung ương đến tận làng, xã nhằm nắm lực lượng này để phục vụ mục đích chính trị của họ nhưng Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) đã “tương kế tựu kế”, thông qua những trí thức nổi tiếng lúc bấy giờ như Lê Văn Huấn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Tấn Phát,... thành lập Thanh niên Tiền Phong, một tổ chức lợi dụng công khai để tập hợp, mở rộng lực lượng thanh niên thành “đạo quân chính trị” dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thanh niên Tiền Phong có trụ sở, có đồng phục, có trang bị, có cờ hiệu (cờ vàng sao đỏ), có đoàn ca (bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước), được Nhật đỡ đầu, thanh thế rất lớn. Sau buổi ra mắt Nhân dân, ảnh hưởng của Thanh niên Tiền phong nhanh chóng lan rộng, thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia với nhiều hoạt động luyện tập quân sự, võ nghệ và làm công tác xã hội.

Riêng ở miền Nam, Thanh niên Tiền phong phát triển rất mạnh, trong đó có Tây Ninh (bao gồm Tân An và Tây Ninh trước đây). Đây là lực lượng đã được “tập dượt” về kỷ luật, tổ chức và tinh thần tập thể, một yếu tố cực kỳ quan trọng khi chuyển sang khí thế tổng khởi nghĩa.

Ở tỉnh lỵ Tân An (thuộc Tây Ninh ngày nay) còn thành lập đội “Cận vệ đỏ” (tự vệ mật) để làm nhiệm vụ tiếp ứng khi có thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Như vậy, đến tháng 6/1945, Tỉnh ủy và cấp ủy tỉnh lỵ Tân An đã xây dựng được đội ngũ đáng tin cậy cho cách mạng, cả về tổ chức bí mật, cơ sở quần chúng và phong trào công khai.

Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo, Thanh niên Tiền phong ở Tân An và Tây Ninh trước đây trở thành lực lượng nòng cốt, phối hợp quần chúng và Việt Minh giành chính quyền nhanh chóng, ít đổ máu.

Mô hình phục dựng lại cuộc họp thứ 3 của Tỉnh ủy Tân An vào cuối tháng 9-1945 chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp quay trở lại, tại Di tích Nhà Tổng Thận (Ảnh: Quế Lâm)

- PV: Được biết tỉnh lỵ Tân An (thuộc tỉnh Tây Ninh hiện nay) là một trong những nơi nổ phát súng khởi nghĩa sớm nhất ở Nam Bộ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Tấn Quốc: Thời điểm khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội là ngày 19/8, ở Huế là ngày 23/8, còn Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ phổ biến là ngày 25/8. Nhưng riêng Tân An thì chiều ngày 21/8 giành được chính quyền về tay Nhân dân.

Đêm 20 và sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy họp Hội nghị mở rộng lần thứ hai tại chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm, thời điểm chuẩn bị là đêm 21/8 và ngày 22/8, ngày 23/8 thi hành, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng là người nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa thí điểm ở tỉnh nhà.

Tuy nhiên, xế chiều ngày 21/8/1945, khi đồng chí Nguyễn Văn Hoằng chưa về đến địa phương thì tỉnh lỵ xảy ra tin đồn “Đàng Thổ dậy ở Gò Công, Tầm Vu, Nhơn Thạnh Trung” gây hoang mang náo loạn trong dân chúng. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Tân An đã sáng suốt nhận định khả năng trên là không có (vì nơi đây không có người Thổ, tức người Khmer), có thể bọn phản cách mạng thân Nhật tung tin đồn nhằm “điệu hổ ly sơn” lực lượng Thanh niên Tiền phong ra khỏi tỉnh lỵ để giành quyền kiểm soát do Nhật trao lại. Từ đó, Tỉnh ủy quyết định hành động tức thời bằng cách nắm ngay lực lượng bảo an binh của tỉnh (ta có cơ sở nội tuyến trong lực lượng này và nắm vững thái độ của anh em binh lính) và huy động lực lượng Thanh niên Tiền phong cướp chính quyền trước khi bọn phản động ra tay. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, kho súng, công xưởng, nhà máy điện, nhà máy nước,... về tay cách mạng.

Mờ sáng ngày 22/8, mọi tầng lớp Nhân dân Tân An nô nức tập trung tại khu vực sân banh trước dinh Quận trưởng (nay là phía trước UBND tỉnh) để Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An, do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm chủ tịch, ra mắt Nhân dân và tuyên bố cách mạng thắng lợi, chính quyền về tay Nhân dân.

- PV: Hiện nay, tỉnh còn lưu giữ những dấu tích gì gắn với phong trào Cách mạng Tháng Tám để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Quốc: Tại Tây Ninh ngày nay còn nhiều di tích được xem là “chứng nhân” lịch sử của Cách mạng Tháng Tám. Tiêu biểu như nhà thuốc Minh Xuân Đường, cơ sở bí mật quan trọng thuộc dạng “đầu não” của tỉnh ngay “trước mũi” địch. Đây là nơi tập trung đảng viên làm công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa: kẻ truyền đơn, chuẩn bị khẩu hiệu,... Sau ngày khởi nghĩa thành công, nhà Tổng Thận trở thành trụ sở công khai đầu tiên của Tỉnh ủy. Khu trụ sở HĐND tỉnh hiện nay vốn là trụ sở Quốc gia Tự vệ Cuộc - tiền thân của công an cách mạng.

Ngoài ra, đình Hiệp Ninh, đình Thanh Đông đều là những “địa chỉ đỏ” gắn liền với khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại đất Tây Ninh. Trong cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh, Thanh niên Tiền phong lấy đình Hiệp Ninh làm cơ sở hội họp, luyện tập. Ngày 25/8/1945, hàng trăm thanh niên Tiền phong có võ trang tập hợp tại đình Hiệp Ninh xuất phát đi hỗ trợ quần chúng tuần hành, thị uy kéo về trung tâm thị xã bao vây dinh Tỉnh trưởng, chiếm các công sở, buộc chính quyền Nhật, Pháp đầu hàng.

Tất cả những di tích gắn liền với Cách mạng Tháng Tám nói riêng và kháng chiến chống ngoại xâm nói chung như lời nhắc nhớ thế hệ sau vun bồi niềm tự hào dân tộc cũng như trách nhiệm giữ gìn thành quả cách mạng.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Mộc Châu (thực hiện)

Nguồn: https://baolongan.vn/thanh-nien-tien-phong-gop-phan-lam-nen-thang-loi-cach-mang-thang-tam-a198967.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm