Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sau một năm triển khai đề án, tiến độ thực Đề án xây dựng 4.500 phòng học có chậm so với kế hoạch, số phòng học hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục đã được bố trí khoảng 18.288 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh để đầu tư tăng thêm phòng học, đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển dân số cơ học, bảo đảm chỗ học cho học sinh.
Dự kiến, cuối năm này, sẽ có 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ đầu tư công, 800 phòng từ xã hội hóa, đạt tỷ lệ 50% so với mục tiêu đề ra.
![]() |
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh dự thi truyển sinh lớp 10. |
Nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm là do giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 có sự thay đổi đến công tác quy hoạch, đất đai và điều kiện về môi trường, giao thông…
Nhiều dự án đầu tư xây dựng trường mới đều quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình thực hiện nhiều bước, giá cả biến động… dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư tăng cao.
Đối với đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo phương thức đối tác công-tư, đây là hình thức đầu tư còn mới, các quy định và hướng dẫn chưa cụ thể nên còn nhiều khó khăn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ những vướng mắc trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh các thủ tục về lập, tổng hợp, trình thẩm định và phê duyệt các đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, xây dựng phương án để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục.
Xử lý dứt điểm trách nhiệm các nhà đầu tư đã được thành phố giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư tại các khu dân cư mới nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đầu tư trường học theo quy hoạch và cam kết...
Cùng với đó, đẩy mạnh chính sách xã hội hóa giáo dục theo hướng cho phép nhà đầu tư được sử dụng đất không nằm trong quy hoạch giáo dục và không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định khoản 1, điều 121 Luật Đất đai năm 2024 để xây dựng trường học tư thục có thời hạn hoạt động giáo dục theo thời hạn thuê (tối thiểu 5 năm)...
![]() |
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi giám sát. |
Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện xây dựng trường, lớp.
Đồng thời, đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung tìm các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, triển khai hiệu quả Đề án xây dựng 4.500 phòng học.
Đối với các dự án chưa thông qua chủ trương đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu với lãnh đạo thành phố để có chủ trương đầu tư mới để kịp tiến độ thực hiện.
Nguồn: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tap-trung-trien-khai-de-an-xay-dung-4500-phong-hoc-post869329.html
Bình luận (0)