Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thành phố Sóc Trăng thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đồng bào Khmer

STO - Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có dân số khoảng 140.000 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 23,7%. Thời gian qua, thành phố Sóc Trăng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, quan tâm đặc biệt đến đời sống đồng bào Khmer, nhất là thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer được cải thiện đáng kể, diện mạo nơi có đông đồng bào Khmer từng bước được khởi sắc.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng26/04/2025

Đồng bào Khmer trên địa bàn thành phố Sóc Trăng sống tập trung ở các phường vùng ven, đa số sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, trong nỗ lực giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, giúp thay đổi tập quán sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được bà con Khmer áp dụng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: LÊ VŨ

Phường 7, thành phố Sóc Trăng là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Các chủ trương dành cho đồng bào Khmer luôn được địa phương triển khai kịp thời, tạo động lực giúp bà con Khmer phấn khởi, tích cực cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt từng khu dân cư. Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, địa phương cũng giới thiệu nhiều mô hình sản xuất canh tác mới mang lại thu nhập cao cho nông hộ.

Ông La Ngọc Anh, ở Khóm 6, Phường 7, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: "Mấy năm gần đây, Phường 7 có sự chuyển biến rõ rệt, các tuyến hẻm được nâng cấp khang trang, việc giao thương, đi lại thuận tiện. Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bà con cũng được tiếp cận nguồn vốn vay, được chuyển giao một số mô hình sản xuất mới, ví dụ như mô hình nuôi bò lấy thịt, mô hình trồng ngò gai… nhờ đó mà cuộc sống bà con khấm khá hơn".

Phường 10, thành phố Sóc Trăng có hơn 60% đồng bào Khmer; đời sống rất khó khăn, nhiều hộ do không nghề nghiệp, không có đất sản xuất, việc chạy ăn luôn là nỗi lo hằng ngày; không ít hộ vừa thoát nghèo lại tái nghèo. Làm gì để người dân thoát nghèo bền vững là bài toán khó đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Thế nhưng vài năm trở lại đây, từ các chính sách hỗ trợ, sự nỗ lực của từng người, từng nhà, đời sống đại bộ phận bà con Khmer chuyển biến rõ rệt.

Ông Thạch Chương, ở Khóm 2, Phường 10, thành phố Sóc Trăng phấn khởi: "Nhờ các chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cuộc sống bà con Phường 10 thay đổi rõ. Đa số thanh niên trong độ tuổi lao động ở phường đều có công ăn việc làm, nhờ đó mà tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn".

Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục cũng chuyển biến đáng kể. Ở các phường có đông đồng bào Khmer sinh sống trường lớp được đầu tư khang trang, hiện đại; đồ dùng phục vụ dạy - học được trang bị tương đối đầy đủ. Có được điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phát huy tinh thần tự học, sáng tạo, vận dụng linh hoạt bài giảng điện tử, công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản để học sinh phát triển kỹ năng. Đặc biệt, việc dạy chữ, tiếng Khmer cũng được các trường quan tâm, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer.

Ông Điền Vôn, thành viên Ban Trị sự chùa Chrôi Tưm Chắs, Phường 10, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: "Điều tôi tâm đắc nhất là trường học được đầu tư rộng khắp, việc dạy chữ, tiếng nói Khmer được quan tâm. 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, ngoài ra, những thanh thiếu niên có nguyện vọng có thể theo học các lớp phổ cập do địa phương tổ chức, góp phần nâng cao dân trí".

Nhiều bà con Khmer được thụ hưởng từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: LÊ VŨ

Ngoài ra, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống còn chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phường 5, thành phố Sóc Trăng có khoảng 18.000 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 67%, nhiều nhất trong thành phố. Nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn, để giúp cho nông dân phát triển kinh tế nông hộ, nhất là đồng bào Khmer, địa phương đã kịp thời triển khai và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật được ưu tiên hàng đầu, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để nông dân trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng những kỹ thuật mới vào canh tác, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống người dân.

Đồng chí Lý Hồng Lộc - Phó Chủ tịch UBND Phường 5, thành phố Sóc Trăng thông tin thêm: "Trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương tìm mọi cách để hỗ trợ bà con, thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa, sản xuất rau màu. Đồng thời ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con".

Bên cạnh thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố cũng huy động các nguồn để hỗ trợ cho người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở được thành phố triển khai đúng đối tượng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã xây dựng 158 căn nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí trên 7,8 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến ngày 31/3, Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp thành phố đã khởi công xây dựng và hoàn thành 192 căn với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng, đạt 51%, trong đó, có 60 căn xây mới, 132 căn sửa chữa.

Không chỉ đời sống vật chất tốt hơn, mà đời sống tinh thần của đồng bào Khmer cũng được các cấp ủy, chính quyền thành phố Sóc Trăng quan tâm. Thể hiện qua việc thực hiện các chính sách giúp đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa dành cho đồng bào Khmer đã được duy trì thường xuyên, vào các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer hằng năm, thành phố cũng tổ chức Hội thi tiếng hát Khmer, Giải bi sắt, bóng chuyền. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Sóc Trăng cũng dành một phần kinh phí đáng kể hỗ trợ các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; các loại hình văn hóa dân gian được ngành chuyên môn và địa phương tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy. Nhờ vậy mà những giá trị văn hóa, tốt đẹp của dân tộc Khmer chẳng những không bị mai một mà còn phát triển. Qua các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa ấy đã hun đúc cho cộng đồng dân tộc Khmer nêu cao hơn nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc để cùng chung tay, góp sức xây dựng thành phố Sóc Trăng ngày thêm phát triển.

Thượng tọa Lý Minh Đức - Trụ trì chùa Som Rong, Phường 5, thành phố Sóc Trăng phấn khởi cho biết: "Thời gian qua, chùa Som Rong được tỉnh Sóc Trăng và thành phố Sóc Trăng quan tâm hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp. Trong định hướng tới, chùa sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số hạng mục để phục vụ các hoạt động văn hóa tại địa phương và nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong khu vực, góp phần cùng với tỉnh nhà phát triển lĩnh vực du lịch tâm linh".

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer là một trong những chính sách quan trọng được thành phố Sóc Trăng vận dụng linh hoạt, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào Khmer. Đây cũng là nền tảng giúp đồng bào Khmer thành phố tham gia tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc ngày càng tươm tất, vui tươi và hạnh phúc.

LÊ VŨ

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202504/thanh-pho-soc-trang-thuc-hien-hieu-qua-cac-chuong-trinh-ho-tro-dong-bao-khmer-70713df/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm