Trụ sở Sonadezi Biên Hòa. |
Có người buột miệng kêu lên:
- Ủa! Ông Hai Thượng - Cai thợ hồ đi treo cờ cách mạng! Thầy cai này là… “ Việt cộng” bà con ơi!
“Thầy cai” đặc biệt
Vào năm 1970, người dân An Hảo bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của một ông cai thợ hồ có dáng người nhỏ thó, tuổi trạc 40, có vẻ rất “chịu chơi” đến sống ngay tại khu vực Nhà máy giấy Cogido. Đây là xóm mới của ấp An Hảo - nơi mà bọn cảnh sát và binh linh của tiểu khu Biên Hòa được cảnh báo là “xóm Việt cộng” và chúng đã “cài” vào đây nhiều “tai, mắt” cộm cán; cùng với các nhân viên mật vụ, cảnh sát đặc biệt để truy tìm một tổ chức Cộng sản vừa được thành lập ở An Hảo có mật danh “H21” mà chúng phong thanh nghe được khi phá vỡ Chi bộ H20 ở Bình Đa. Do vậy, hàng xóm của “Thầy cai Hai Thượng” có Nguyễn Phi Khanh - Trưởng tình báo khu Long Bình, Nguyễn Văn Một - báo viên của chi khu an ninh quân đội Đức Tu đang đóng vai công nhân Nhà máy Vicasa. Giao du rộng, thường xuyên ăn nhậu với các nhân vật có máu mặt ở An Hảo, Bình Đa, Tam Hiệp và cả ở chi khu Đức Tu, Hai Thượng còn cho cả đám thợ của mình vào Trại gia binh Tam Hiệp làm nhà cho đại tá Thao - Chỉ huy trưởng một đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa đang đồn trú nơi đây mà không lấy tiền công, nên được nhiều vị “tai to mặt lớn” trong vùng rất nể trọng.
Mất “Honda”, làm căn cước mới
Tên thật của Hai Thượng là Tôn Văn Điểu, sinh năm 1931 tại xã Lộc Thọ (tỉnh Quảng Nam). 17 tuổi Điểu được đưa vào ban công tác vận chuyển khu B 150 ở Tiên Phước. Nhờ thành tích đặc biệt, năm 1959, Hai Điểu được điều vào Nam hoạt động cho Ban đặc công Sài Gòn - Chợ Lớn. Cánh đặc công trong đó có Hai Điểu được bố trí đóng ở chùa Định Quang (nay thuộc phường An Bình, thành phố Biên Hòa) phụ trách địa bàn Biên Hòa - Bình Dương - Củ Chi - Hố Bò. Riêng Hai Điểu được phân công bám sát nhà máy điện - được xem như là trái tim của Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Với nhiệm vụ này, vợ chồng Hai Điểu được bố trí ở trong khuôn viên chùa Định Quang trong một căn nhà lá nhỏ. Tại đây, hàng đêm chiến sĩ đặc công Tôn Văn Điểu khoác áo tràng gõ mõ, tụng kinh, được sư trụ trì Thích Thiện Hoa đặt cho pháp danh là Thiện Chí.
Được sự đồng ý của Ban đặc công Sài Gòn - Chợ Lớn, Hai Thượng đồng ý tham gia và được giao làm Phó trưởng ban đặc trách vận chuyển vũ khí và bộ đội. Thế là ông đào hầm bí mật ngay tại nhà để làm chổ trú ẩn cho cán bộ, bộ đội và vũ khí vận chuyển từ căn cứ Sông Buông vào thâm nhập nội đô Biên Hòa. |
Vào cuối năm 1967 Hai Điểu nhận được lệnh chạy chiếc Honda 67 mang biển số 432 của anh về Sài Gòn nhận nhiệm vụ. Đó là gắn chất nổ vào chiếc xe Honda này canh lúc thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan - Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia cùng đám cận vệ rời bót Hàng Keo thì cho nổ. Theo đúng kế hoạch, chiếc Honda 67 tan xác, tên trùm cảnh sát quốc gia bị thương chân phải, 2 cận vệ chết gục trên xe Jeep.
Khi kiểm điểm lại trận đánh, Ban đặc công phát hiện ra một sơ hở chết người là trong lúc đánh mìn không tháo biển số xe, nên tấm biển này văng ra, chắc chắn sẽ lọt vào tay bọn điều tra; nên Trưởng ban Bảy Lùn lệnh cho Hai Điểu phải tức tốc rút ngay về Cà Mau.
Tại vùng đất mũi này, người cậu vợ giàu có và có thế lực đã bỏ ra 10.500 đồng (lúc ấy giá 1 lượng vàng khoảng 3.000 đồng) để làm căn cước thật cho Hai Điểu với cái tên Lý Ngọc Thượng, sinh năm 1920 tại Sông Ông Đốc (tỉnh Cà Mau).
Ông Hai Thượng (Tôn Văn Điểu). |
Quay trở lại An Hảo với giấy tờ tùy thân khác và diện mạo cũng khác, Hai Điểu bây giờ là Hai Thượng trở thành cai thợ hồ và tìm cách giao du với những người có thế lực trên địa bàn Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Qua tìm hiểu, Hai Thượng mướn ngay căn nhà trước cổng Nhà máy Cogido của bà Nguyễn Thị Thêm (mẹ của một trung úy cảnh sát tùng sự tại Chi cảnh sát quốc gia quận Đức Tu) để tiện việc hoạt động bí mật mà không sợ bị dòm ngó.
Đảng viên chi bộ H21
Trong một lần Hai Thượng nhận nhiệm vụ đem chất nổ TNT vào phá nhà máy điện của Khu Kỹ nghệ Biên Hòa bất thành, nhưng hành động này lại không lọt khỏi mắt của một cán bộ hoạt động nội thành của Thành ủy Biên Hòa là Trần Việt Nga - một đảng viên mật đang hoạt động hợp pháp dưới lớp vỏ bọc tài xế xe lam. Thực hiện chỉ thị của Thành ủy Biên Hòa, đảng viên Trần Việt Nga tiếp cận và vận động Hai Thượng tham gia hoạt động cho Ban công vận.
Ngày 23-3-1972, tại Bàu Hàm - căn cứ của Thành ủy Biên Hòa, Lý Ngọc Thượng được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Và chỉ một tuần sau, tại căn cứ bắc Trảng Bom, Thành ủy Biên Hòa ra quyết định thành lập Chi bộ H21 với nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn dân cư An Hảo. Chi bộ chỉ có 4 đảng viên, trong đó có đảng viên mới là Tôn Văn Điểu (tự Lý Ngọc Thượng) do đồng chí Trần Việt Nga làm bí thư.
Hoạt động bí mật trong sự rình rập, truy tìm gắt gao của địch, nhưng Chi bộ H21 vẫn lôi kéo được trung đội phòng vệ dân sự ấp An Hảo ủng hộ cách mạng, biến chùa Định Quang thành cơ sở cách mạng với đội ngũ “công nhân phật tử” làm nòng cốt cho các hoạt động đấu tranh chính trị. Đặc biệt, Chi bộ H21 đã phối hợp với Biệt động Biên Hòa trừng trị những tên gián điệp núp dưới lớp áo công nhân chống phá cách mạng. Nổi bật là vào đêm 27-1-1973, biết tin bọn địch tập hợp đám tay chân tại trụ sở ấp An Hảo để triển khai kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm phá hoại Hiệp định Paris, Chi bộ H21 đã cùng lực lượng Biệt động thành tập kích diệt được Trưởng ban An ninh, 2 nhân viên an ninh cùng Trưởng ban Thanh niên và làm 32 tên khác bị thương.
Trong trận đánh này, đồng chí Hai Thượng bị lộ và bị địch bắt. Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ Hai Thượng) vội chạy lên Sài Gòn gặp cha đang làm kế toán cho Công ty xuất nhập cảng Đông Phương mượn 50.000 đồng đem về đút lót cho những người có quyền thế từng quen biết “thầy cai”. Món tiền quá lớn đã kịp thời xóa sạch hồ sơ tình nghi Việt cộng của đương sự Lý Ngọc Thượng, nên khi ra Tòa tiểu hình Biên Hòa, Hai Thượng chỉ bị tuyên án tù treo.
Vào những ngày cuối tháng 4-1975, đảng viên Hai Thượng và các cơ sở của ông hoạt động hết sức tất bật. Được cử làm Trưởng ban khởi nghĩa ấp An Hảo, và đích thân được giao nhiệm vụ giữ không cho địch phá cầu Long Bình, Hai Thượng còn phải lo bố trí người tin cẩn đón cán bộ về ém trong Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Cùng lúc, vợ đồng chí Hai Thượng được Ban Công vận chuyển đến 500 đồng với lời đề nghị mua 3 loại vải đỏ, xanh, vàng may gấp 20 lá cờ Mặt trận và khoảng chục basa. Thấy tiền không đủ mà tình thế quá cấp bách, bà Hạnh đã kêu bán gấp đám rẫy để lấy tiền thực hiện nhiệm vụ; kịp thời cho chồng và các cơ sở của ông cắm lên các xí nghiệp, nhà máy… báo hiệu với mọi người rằng Khu Kỹ nghệ Biên Hòa đã thuộc về tay nhân dân...
Bùi Thuận
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/thay-cai-treo-co-giai-phong-tru-so-sonadezi-6535d7d/
Bình luận (0)