Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thế giới tăng tốc đưa AI vào trường học, có nơi bắt đầu từ mẫu giáo

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, đang tích cực tìm hiểu, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào việc dạy và học trên lớp nhằm mục tiêu cạnh tranh trong kỷ nguyên mới.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên06/05/2025

Thế giới tăng tốc đưa AI vào trường học, có nơi bắt đầu từ mẫu giáo - Ảnh 1.

Sau thời gian lo ngại và cấm đoán, xu hướng đưa AI vào giáo dục phổ thông đang nở rộ trên toàn cầu

ẢNH MINH HỌA: CHATGPT

Dạy AI từ mẫu giáo

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ đưa AI vào chương trình giảng dạy ở các trường công như một môn học chính thức ngay từ năm học 2025-2026. Đây là thông tin được Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum chia sẻ trên mạng xã hội X hôm 4.5 và chính sách này sẽ được áp dụng ở mọi cấp học, từ mẫu giáo tới lớp 12, "nhằm chuẩn bị cho thế hệ tương lai bước vào một thế giới mới".

"Mục tiêu của chúng tôi là giúp các em hiểu sâu về AI dưới góc độ kỹ thuật, nuôi dưỡng nhận thức về đạo đức liên quan đến công nghệ mới này đồng thời nâng cao hiểu biết về dữ liệu, thuật toán, ứng dụng, rủi ro cũng như mối liên hệ giữa AI với xã hội, cuộc sống. Chúng ta có trách nhiệm phải chuẩn bị cho con em mình hành trang vững vàng để bước vào một thời đại không giống với thời đại của chúng ta", ông chia sẻ.

Theo thông cáo từ Bộ Giáo dục UAE, chương trình học bộ môn AI có 7 nội dung, gồm các khái niệm nền tảng; dữ liệu, thuật toán; sử dụng phần mềm; nhận thức đạo đức; ứng dụng thực tiễn; đổi mới và thiết kế dự án; chính sách và sự tham gia của cộng đồng. Chương trình giảng dạy sẽ được thiết kế riêng cho từng nhóm tuổi và được chia làm 3 chu kỳ khác nhau, Thông tấn xã Emirates cho hay.

Thế giới tăng tốc đưa AI vào trường học, có nơi bắt đầu từ mẫu giáo - Ảnh 2.

Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thông báo sẽ dạy AI cho học sinh các trường công lập từ mẫu giáo tới lớp 12

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Với động thái trên, UAE trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đưa AI vào chương trình giảng dạy trong các trường mẫu giáo, phổ thông công lập. Trước đó vài tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23.4 đã ký sắc lệnh đưa AI vào chương trình từ mẫu giáo đến lớp 12, trong đó tạo cơ hội để học sinh được tham gia khóa học và chương trình cấp chứng chỉ về AI.

Theo sắc lệnh, chính quyền Mỹ sẽ thành lập Nhóm Công tác Nhà Trắng về giáo dục AI với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành, cơ quan liên quan, đứng đầu là Giám đốc Văn phòng chính sách khoa học và công nghệ Mỹ. Nhóm này phụ trách toàn diện những công tác liên quan đến việc đưa AI vào trường học, từ đào tạo giáo viên, phân bổ nguồn quỹ nghiên cứu, phát triển chương trình học nghề...

Trong khi đó, Ủy ban Giáo dục TP.Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 3 cho biết toàn bộ trường tiểu học, THCS tại địa phương này sẽ dạy AI cho học sinh ít nhất 8 giờ/năm học, bắt đầu từ năm học 2025-2026. Trong những tiết học về AI, học sinh Trung Quốc không chỉ học cách sử dụng các chatbot AI như DeepSeek và những công cụ liên quan, mà còn tìm hiểu kiến thức cơ bản về AI và vấn đề đạo đức khi dùng AI.

Chính quyền TP.Bắc Kinh cho biết thêm các trường có thể tích hợp dạy AI vào các môn hiện có như công nghệ thông tin hoặc khoa học hoặc có thể giảng dạy như một môn học riêng biệt. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi cuối năm 2024 đã chọn 184 trường học trên cả nước để thí điểm các mô hình, chương trình giảng dạy AI, làm nền tảng cho việc nhân rộng sau này, tờ Fortune đưa tin.

Tích cực dùng công cụ AI

Ngoài việc dạy về AI trong chương trình, nhiều nước cũng đã và đang áp dụng các công cụ AI vào quá trình học trên lớp. Chẳng hạn, chính phủ Estonia ở châu Âu thông tin từ đầu tháng 9 năm nay, nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình "AI Leap" (Bước tiến AI) - dự án hợp tác cùng OpenAI - cho 20.000 học sinh trung học và 3.000 giáo viên để hỗ trợ việc học tập và giảng dạy, theo tờ Euronews.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc từ tháng 3.2025 đã bắt đầu triển khai cho học sinh ba cấp sử dụng sách giáo khoa điện tử AI (AI digital textbook) để cá nhân hóa quá trình học tập. Hiện có 76 sách giáo khoa điện tử AI được phê duyệt, gồm các môn tiếng Anh, toán, lập trình. Dự kiến tới 2028, tất cả môn học sẽ triển khai sách giáo khoa điện tử AI và trường có thể chọn dùng loại sách này hay không, theo thông cáo.

Thế giới tăng tốc đưa AI vào trường học, có nơi bắt đầu từ mẫu giáo - Ảnh 3.

Đại diện Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai sách giáo khoa điện tử AI hồi năm 2023

ẢNH: BỘ GIÁO DỤC HÀN QUỐC

Tại Anh, đài Sky News thông tin rằng David Game College, một ngôi trường tư thục ở thủ đô London, hồi năm ngoái đã triển khai lớp học "không giáo viên" - nơi học sinh sử dụng tai nghe thực tế ảo kết hợp với nền tảng AI trên máy tính để học thay vì nghe thầy cô giảng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Anh đầu năm 2025 cũng ban hành văn bản về AI, trong đó hướng dẫn giáo viên, học sinh dùng AI an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.

Như Thanh Niên đưa tin, một số nước Đông Nam Á từ năm 2023 đã đẩy mạnh tiếp cận, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông lấy AI và kỹ thuật số làm "kim chỉ nam". Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT đánh giá rằng Nghị quyết 29, Nghị quyết 57 tạo ra bối cảnh thuận lợi để đưa AI vào giáo dục phổ thông. Các tỉnh, thành phố cần chủ động thí điểm ở một số trường chuyên, chất lượng cao, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng hồi tháng 3.

Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi-tang-toc-dua-ai-vao-truong-hoc-co-noi-bat-dau-tu-mau-giao-185250506165731847.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm