Ông Nguyễn Hồng Minh (SN 1947) là nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục Thể thao, từng là trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự nhiều kỳ SEA Games, Asiad và Olympic.
Ông là người đầy tâm huyết và có nhiều đóng góp quan trọng cho thể thao nước nhà. Ông luôn sẵn sàng đưa ra những ý kiến giàu tâm huyết, giàu tính chuyên môn để đóng góp cho ngành
Ông Minh cũng là người gắn bó với ngành thể thao trong nước suốt vài chục năm qua. Ông chứng kiến rất nhiều thăng trầm, nhiều thay đổi của TTVN từ sau ngày đất nước thống nhất.
Một chiều tháng 4, ông Nguyễn Hồng Minh có những trao đổi với phóng viên Dân trí, chỉ ra những thay đổi và những điểm cần thay đổi của TTVN, giúp cho thể thao nước nhà có ngày hôm nay, cũng như có thể giúp chúng ta để hướng đến tương lai rực rỡ hơn.

TTVN luôn chuyển động để hướng lên phía trước (Ảnh: Quý Lượng).
Bước chuyển mình sau những ngày đầu hội nhập
50 năm qua, thể thao Việt Nam đã thay đổi như thế nào, có những bước chuyển mình như thế nào, thưa ông?
- Có thể chia sự phát triển của TTVN từ sau ngày đất nước thống nhất đến giờ thành những giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu chúng ta tham dự các kỳ SEA Games và Olympic chủ yếu để hội nhập với quốc tế.
Tôi nhớ khi TTVN góp mặt tại Olympic Moscow (Nga) năm 1980, chúng ta chỉ tham dự 4 môn, gồm điền kinh, bắn súng, bơi và vật. Dĩ nhiên đấy là giai đoạn TTVN không có thành tích gì đáng kể. Mục tiêu của chúng ta khi đó cũng không phải là cạnh tranh thành tích.
Đấy là thời điểm mà chúng ta không thể nói chuyện thành tích, vì lúc đó TTVN cũng không có lực lượng vận động viên (VĐV) đủ đông đảo và đủ chất lượng. Sau ngày đất nước thống nhất, TTVN hầu như phải xây dựng lại từ đầu lực lượng VĐV, nên khi tham dự các đấu trường quốc tế ở thời kỳ đầu, chúng ta chỉ chủ yếu đặt ra mục tiêu hội nhập.
Ở đấu trường SEA Games cũng vậy, những kỳ SEA Games đầu tiên (từ năm 1989) là những kỳ SEA Games chúng ta chưa đặt ra chuyện thành tích.
Rồi những năm sau đó, chúng ta thay đổi ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục Thể thao (Ảnh: NVCC).
- Ở những kỳ SEA Games đầu tiên, TTVN thường chỉ đứng thứ 7-8 toàn đoàn. Nói chung chúng ta rất yếu. Đến SEA Games 19 năm 1997 ở Jakarta (Indonesia), chúng ta vươn lên đứng vị trí thứ 4 toàn đoàn.
Cũng từ thời điểm đó, TTVN đặt ra chiến lược vươn lên đỉnh cao của SEA Games, với định hướng là top 3 ở các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. Từ thời điểm đó, chúng ta đẩy mạnh việc đào tạo lực lượng VĐV theo chương trình mục tiêu quốc gia.
Đến SEA Games 22 năm 2003, TTVN lần đầu tổ chức SEA Games và cũng lần đầu giành vị trí số một Đông Nam Á. Những năm sau này, chúng ta có thêm hai lần nữa giành vị trí số một ở các kỳ SEA Games 31 năm 2022 (trên sân nhà) và SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia.
Vươn ra biển lớn
Không chỉ tại SEA Games, ở đấu trường Asiad và Olympic, TTVN cũng bắt đầu có những thành tích sáng chói trong khoảng thời gian nói trên?
- Năm 2000, TTVN có tấm huy chương đầu tiên, là Huy chương bạc (HCB) ở môn taekwondo, thuộc về nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân.
Ở đấu trường Asiad, cũng trong môn taekwondo, TTVN giành Huy chương vàng (HCV) ở hai kỳ đại hội liên tiếp vào các năm 1994 (tại Hiroshima, Nhật Bản) và 1998 (Bangkok, Thái Lan), lần lượt thuộc về các võ sĩ Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống.

TTVN từng có VĐV nhảy xa số một châu Á (Ảnh: Quý Lượng).
Cũng trong môn taekwondo, tại Asiad lần thứ 14 năm 2002, tại Busan (Hàn Quốc), chúng ta có đến 4 VĐV vào chung kết các hạng cân của môn này. Đến Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh giành cả HCV lẫn HCB môn bắn súng tại Brazil. Đó là những dấu ấn lớn trên đấu trường quốc tế, chứng tỏ TTVN đã chuyển biến và có thể phát triển lớn mạnh.
Thế nhưng, cũng từ đây, chúng ta mắc một số sai lầm khiến TTVN không thể phát huy hết các thế mạnh, đồng thời có dấu hiệu chững lại ở các kỳ Asiad và Olympic gần nhất. Dấu hiệu đấy buộc chúng ta phải thay đổi tiếp trong những năm tới, để theo kịp xu thế phát triển chung.
Những sai lầm đấy là gì, và TTVN cần làm gì để cải thiện chất lượng của chính mình, để tiếp tục tiến lên trong những năm tới, thưa ông?
- Sai lầm đấy là chúng ta tập trung cho đấu trường SEA Games quá lâu, quá dàn trải, khiến TTVN mất nhịp, không có thành tích đáng kể ở các kỳ Olympic và Asiad gần nhất. Chuyện TTVN không có thành tích tại các đại hội thể thao lớn tầm châu Á và thế giới ở các kỳ đại hội gần nhất khiến người hâm mộ buồn lòng.
Đấy là thực tế mà chúng ta phải đối diện và phải thay đổi. Như tôi đã đề cập, có thời điểm taekwondo Việt Nam rất mạnh, ở nhóm đầu châu Á, có khả năng cạnh tranh HCV Olympic ở một số hạng cân. Thế nhưng, chúng ta lại không đầu tư trọng điểm vào môn này và những hạng cân này.

Hoàng Xuân Vinh (giữa) giành HCV bắn súng lịch sử ở Olympic 2016 tại Brazil (Ảnh: Getty).
TTVN cũng từng có Trương Thanh Hằng chạy nhanh thứ nhì châu Á ở các nội dung 800m và 1.500m (HCB ở cả hai nội dung này tại Asiad 16 năm 2010, ở Quảng Châu, Trung Quốc). Chúng ta có Bùi Thị Thu Thảo nhảy xa tốt nhất châu Á (HCV tại Asiad 18 năm 2018, ở Jakarta, Indonesia).
Tuy nhiên, chúng ta không đầu tư mạnh mẽ cho các môn vừa nêu và cho những nội dung nói trên. Thay vào đó, chúng ta vẫn theo đuổi việc dàn trải cho SEA Games, trong khi SEA Games có một bất cập đó là cứ quốc gia nào tổ chức, quốc gia đó lại đưa môn thế mạnh của họ vào để tranh huy chương, đến kỳ đại hội tiếp sau môn đấy lại biến mất. Điều đó khiến cho việc đầu tư dàn trải tại SEA Games trở nên tốn kém và vô ích.
Định hướng quan trọng cho thời kỳ mới
Và để theo kịp xu thế, để sửa chữa sai lầm của chính mình, để TTVN có sự chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới, cần phải thực hiện những điều gì?
- Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, đó là chúng ta đang đứng đầu SEA Games, nhưng lại kém đến 5 quốc gia khác ở Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore tại kỳ Olympic gần nhất.

Bắn súng vào nhóm một, được đầu tư trọng điểm hướng đến việc giành huy chương Olympic, theo định hướng mới (Ảnh: Mạnh Quân).
Chúng ta nên xem lại việc đứng đầu SEA Games có phải đến từ chuyện các quốc gia khác bắt đầu giảm bớt sự tập trung cho đấu trường Đông Nam Á, thay vào đó họ chú ý nhiều hơn đến Asiad và Olympic hay không.
Ngoài ra, cần nắm bắt xu thế đó là hầu hết các nền thể thao trên thế giới, họ chỉ thường tập trung vào một vài môn. Tiếp theo, trong từng môn, họ chỉ tập trung đầu tư vào 2-3 nội dung, hoặc 2-3 hạng cân thi đấu, có khả năng cao nhất cạnh tranh huy chương, chứ họ không dàn trải. Thế nên chúng ta cũng cần phải có trọng điểm.
Tôi lấy ví dụ, Triều Tiên chỉ tập trung cho khoảng hai môn thế mạnh, Hàn Quốc chỉ khoảng 3 môn. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng vậy. Ngay đến cường quốc thể thao là nước Nga cũng chỉ tập trung vào khoảng 6-7 môn, chứ không thể dàn trải toàn bộ các môn được. Nguồn lực là hữu hạn, không thể đầu tư theo kiểu vô hạn được.
Cụ thể, những việc cần thay đổi là gì, chúng ta cần nhắm đến những môn nào để thay đổi vị thế của TTVN trên đấu trường Olympic và Aisad trong những năm sắp tới?
- Hội thảo góp ý xây dựng chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm (diễn ra cách đây vài tuần) cũng đã đi đến một số thống nhất mà tôi cho rằng rất quan trọng. Theo đó, nhóm một là các môn tranh chấp huy chương Olympic đã được xác định, gồm bắn súng, bắn cung, cử tạ, cầu lông, taekwondo, quyền anh, đấu kiếm và đua thuyền.

Đua thuyền cũng là môn trọng điểm nằm trong nhóm một (Ảnh: Quý Lượng).
Còn nhóm hai là các môn có thể tranh chấp huy chương ở Asiad, gồm điền kinh, judo, karate, wushu, thể dục dụng cụ (TDDC), vật, bơi, cầu mây và xe đạp.
Theo tôi, 8 môn đầu tư trọng điểm ở nhóm một, hướng đến việc tranh chấp huy chương Olympic vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, việc thu gọn từ 17 môn theo như đề xuất ban đầu xuống còn 8 môn cũng đã là sự cố gắng lớn, cho thấy hầu hết mọi người đã có sự thống nhất vào việc đầu tư trọng điểm theo xu thế chung.
Thứ hai, khách quan mà nói, TTVN đang thay đổi chậm hơn so với một số nước xung quanh, nhưng có muộn cũng phải làm. Chúng ta phải thay đổi triệt để và đồng bộ.
Nếu chúng ta xác định đã là thể thao thành tích cao thì phải là cuộc đua thực thụ, cần phải kiên trì thực hiện đến cùng, tôi tin rằng chúng ta sẽ thu được thành quả. Chúng ta sẽ lại hướng đến vị thế khác ở đấu trường quốc tế!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-chuyen-minh-ghi-dau-an-quoc-te-trong-50-nam-qua-20250425024310233.htm
Bình luận (0)