Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Liên tiếp những vụ trăn ăn thịt người gây rúng động dư luận

(Dân trí) - Hai vụ trăn ăn thịt người xảy ra trong một thời gian ngắn tại Indonesia đã khiến dư luận quốc gia này rúng động. Loài trăn nào đủ lớn và đủ sức mạnh để giết chết, ăn thịt một người trưởng thành?

Báo Dân tríBáo Dân trí26/04/2025


Nếu đã từng xem "Anaconda", loạt phim của điện ảnh Hollywood có chủ đề về loài trăn Nam Mỹ khổng lồ, bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh những con trăn to lớn quấn chặt và nuốt chửng những nạn nhân xấu số.

Vậy việc trăn ăn thịt người có thực sự diễn ra ngoài đời thường không, hay đây chỉ là những chi tiết hư cấu do đạo diễn bộ phim tưởng tượng ra?

Trên thực tế, nhiều trường hợp trăn ăn thịt người đã từng được ghi nhận, nhưng thủ phạm gây ra những vụ này thường là loài trăn gấm (hay còn gọi là trăn mắt lưới) và trăn đá Châu Phi. Trong đó, trăn gấm là loài được ghi nhận gây ra các vụ tấn công và ăn thịt người nhiều nhất.

Liên tiếp những vụ trăn gấm ăn thịt người tại Indonesia

Chỉ tính riêng trong đầu tháng 4, hai vụ trăn ăn thịt người đã được ghi nhận tại Indonesia khiến dư luận xôn xao.

Trường hợp đầu tiên xảy ra vào ngày 1/4, khi cụ bà có tên Hasia, 66 tuổi, đang đi bộ về nhà sau một ngày làm việc tại đồn điền cao su ở quận Pitu Riase, tỉnh Nam Sulawesi. Tuy nhiên, đến tận đêm, gia đình vẫn không thấy bà Hasia trở về nhà nên đã huy động người dân cùng đi tìm kiếm.

Dân làng đã lùng sục xung quanh con đường từ đồn điền cao su trở về nhà. Đến 9h tối, người dân đã phát hiện một con trăn cỡ lớn, dài khoảng 7m với chiếc bụng phình to bất thường, đang nằm yên trong bụi rậm.

Liên tiếp những vụ trăn ăn thịt người gây rúng động dư luận - 1

Con trăn với phần bụng phình to bị người dân giết chết (Ảnh cắt từ clip).

Người dân đã hợp sức giết chết con trăn cỡ lớn, sau đó mổ bụng con vật và kinh hãi khi phát hiện thi thể bà Hasia đang nằm gọn trong bụng con trăn.

"Ban đầu chúng tôi lo ngại bà ấy bị ngã hoặc đi lạc, nhưng khi phát hiện con trăn với chiếc bụng phình to, tôi đã cảm thấy hoảng sợ. Điều này thật tàn khốc. Chắc hẳn đó là một cái chết đầy đau đớn của mẹ tôi", Nurdin, con trai bà Hasia, đau đớn chia sẻ.

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng địa phương đã kêu gọi người dân cần cẩn trọng hơn khi đi qua những khu rừng và bụi rậm quanh làng vì đây là nơi sinh sống của nhiều con trăn lớn.

"Chúng tôi kêu gọi người dân cần cẩn trọng hơn khi đi qua khu vực đồn điền, rừng rậm, vì nơi đây được biết đến là nơi sinh sống của những con trăn lớn. Chúng hung hăng và có thể tấn công con người để ăn thịt", Ipda Zakaria, Cảnh sát trưởng quận Pitu Riase, chia sẻ.

Trường hợp trăn ăn thịt người thứ hai xảy ra tại một ngôi làng gần rừng thuộc huyện Buton (tỉnh Tây Nam Sulawesi) khi bà Wa Siti, 55 tuổi, đang làm việc trên đồn điền của gia đình thì bất ngờ bị một con trăn cỡ lớn trong bụi rậm lao ra tấn công.

Khi thấy trời đã tối nhưng mẹ chưa trở về nhà, La Faru, con trai của bà Wa Siti đã đi tìm kiếm khắp nơi. Khi đến một bụi rậm gần đồn điền của gia đình, La Faru đã kinh hãi khi nhìn thấy mẹ mình đang bị trăn cỡ lớn ăn thịt, với phần đầu đã nằm gọn trong miệng con vật.

La Faru đã gọi những người hàng xóm xung quanh để nhờ giúp đỡ. Dân làng đã sử dụng vũ khí để giết chết con trăn, nhưng quá muộn để cứu mạng bà Wa Siti.

"Người dân đã nhìn thấy con trăn quấn quanh cơ thể của bà Wa Siti và đang nuốt phần đầu của bà ấy vào bụng. Họ lập tức giết chết con trăn nhưng mọi chuyện đã quá muộn", One Hardi, cảnh sát huyện Buton, chia sẻ.

Người dân địa phương cho biết họ đã từng nhìn thấy những con trăn cỡ lớn xuất hiện ở khu rừng gần làng, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng những con vật này lại có thể ăn thịt người.

Liên tiếp những vụ trăn ăn thịt người gây rúng động dư luận - 2

Trăn gấm trong những khu rừng tại Indonesia có thể phát triển lên kích thước cực to lớn nhờ nguồn thức ăn dồi dào và môi trường sống phù hợp (Ảnh: SNL).

Indonesia có một quần thể trăn gấm lớn sống trong những khu rừng và khu vực lân cận con người sinh sống. Nguồn thức ăn dồi dào trong rừng đã giúp những cá thể trăn gấm tại Indonesia phát triển đến kích thước đặc biệt lớn.

Việc con người lấn rừng để lập làng và lấy đất làm nông nghiệp tại Indonesia đã dẫn đến số vụ đụng độ giữa con người và trăn gấm xảy ra thường xuyên hơn.

Cách đây ít ngày, một người đàn ông sống tại đảo Bali cũng đã thiệt mạng do bị trăn quấn chặt vào cổ trong khi người này đang cố gắng bắt giữ con vật bằng tay không.

Trong năm 2024, ít nhất 4 vụ trăn gấm tấn công và ăn thịt người đã được ghi nhận tại Indonesia.

Loài trăn lớn được phân bố rộng khắp Đông Nam Á

Trăn gấm còn có tên gọi trăn mắt lưới châu Á (tên khoa học Python reticulatus). Đây là loài trăn được tìm thấy ở nhiều môi trường sống khác nhau, trải rộng từ rừng rậm, đầm lầy, kênh rạch đến cả những thành phố lớn, khiến chúng thường xuyên đụng độ với con người.

Liên tiếp những vụ trăn ăn thịt người gây rúng động dư luận - 3

Hàm dưới trăn gấm có thể tách đôi, giúp loài động vật này có thể nuốt chửng những con mồi to lớn (Ảnh: CTM).

Đây là loài bò sát dài nhất thế giới hiện nay, với chiều dài khi trưởng thành có thể đạt hơn 6m, đôi khi dài đến 8m hoặc 9m, nhưng khá hiếm gặp. Cá thể trăn gấm trưởng thành nặng từ 150 đến 270kg.

Trăn gấm được phân bố rộng trên khắp các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Thức ăn của trăn gấm bao gồm các loài chim, thú như động vật gặm nhấm, lợn, hươu, nai, các loài linh trưởng… ngoài ra, chúng còn có thể ăn thịt chó, mèo, gà tại các khu dân cư.

Tại Việt Nam, trăn gấm là loài động vật có tên trong sách đỏ và được pháp luật bảo vệ, cấm các hình thức săn bắt, buôn bán…

Trăn gấm săn mồi như thế nào?

Giống các loài trăn khác, trăn gấm không có nọc độc và săn mồi bằng cách quấn thân quanh con mồi rồi siết chặt cho đến chết. Dù không có nọc độc, những vết cắn của trăn gấm khiến vết thương chảy nhiều máu và có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng vì miệng của loài trăn này có chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm.

Theo tiến sĩ Harry Greene đến từ Đại học Cornell, Mỹ, với sức mạnh của một con trăn gấm trưởng thành, nó có thể dễ dàng giết chết một người lớn chỉ trong vòng vài phút.

Tiến sĩ Greene cho biết cách thức trăn tấn công con người cũng tương tự như khi chúng săn mồi. Đầu tiên, trăn sẽ tung cú cắn để giữ chặt nạn nhân. Trăn gấm không có nọc độc, nhưng sở hữu hàm răng sắc nhọn và quặp vào trong, giúp chúng giữ chặt con mồi sau cú cắn.

Liên tiếp những vụ trăn ăn thịt người gây rúng động dư luận - 4

Trăn gấm sở hữu hàm răng sắc nhọn và sức mạnh cơ bắp giúp chúng dễ dàng giết chết những con mồi to lớn (Ảnh: Shutterstock).

Sau khi cắn và giữ chặt con mồi, trăn gấm sẽ cuộn vòng cơ thể quanh nạn nhân, khiến họ không thể hô hấp. Nếu con người bị trăn gấm siết chặt, xương sườn và nội tạng của họ sẽ sớm bị phá hủy và nạn nhân sẽ tắt thở chỉ trong vài phút.

Tiến sĩ Greene cho rằng quá trình giết chết con người của trăn gấm diễn ra rất nhanh chóng, nhưng chúng sẽ mất nhiều thời gian để có thể nuốt chửng một người trưởng thành, vốn là một con mồi có kích thước lớn.

"Trăn có thể nuốt chửng những con mồi to lớn vì hàm dưới của chúng có thể tách rời, không gắn liền vào hộp sọ, giúp trăn có thể mở rộng miệng để nuốt mồi. Trăn gấm có thể sẽ phải mất đến một tiếng đồng hồ để nuốt chửng một người trưởng thành", tiến sĩ Greene cho biết thêm.

Bên cạnh những trường hợp con người bị trăn gấm hoang dã tấn công và ăn thịt, một số trường hợp trăn gấm được chăm sóc làm vật nuôi cũng đã tấn công và giết chết chính chủ nhân của mình khi chúng bị kích động.

Kinh hãi khoảnh khắc trăn gấm bất ngờ tấn công chủ khi đang được cho ăn (Video: Uno Sandvick).

Chẳng hạn như vào tháng 1/2008, một cô gái 25 tuổi sống tại bang Virginia, Mỹ, đã bị chính con trăn gấm do mình nuôi dưỡng tấn công và siết chặt cho đến chết. Con trăn không ăn thịt cô gái này, nhưng con vật được tìm thấy trong tình trạng kích động.

Vào tháng 1/2009, một con trăn gấm được nuôi tại thành phố Las Vegas cũng đã tấn công và suýt giết chết đứa trẻ 3 tuổi. Người mẹ khi phát hiện sự việc đã dùng dao tấn công trăn để giải cứu cho con. Em bé may mắn sống sót, còn con trăn bị tiêu diệt.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/lien-tiep-nhung-vu-tran-an-thit-nguoi-gay-rung-dong-du-luan-20250426025316353.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm