
Nền tảng vững chắc
Trước khi hợp nhất, cả Hải Dương và Hải Phòng đều coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một trong những trục quan trọng, giải pháp tất yếu để tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cả tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đều đã ban hành một số đề án, nghị quyết, quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực này vì thế đã và đang có những bước phát triển ấn tượng.
Hải Dương dẫn đầu miền Bắc về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã phát triển được 93,5 ha nhà màng, tăng 65 ha so với năm 2020, chủ yếu trồng các loại dưa, rau xanh, hoa và cây giống. Hàng loạt tiến bộ kỹ thuật đã được nông dân áp dụng thuần thục trong sản xuất nhà màng như các công nghệ: tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa bằng camera giám sát và phần mềm trên điện thoại thông minh...
Nhiều mô hình nhà màng mang lại giá trị sản xuất đạt từ 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10 - 30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận trung bình đạt 750 triệu đồng/ha/năm.
.jpg)
Hải Dương hiện có khoảng 600 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm công nghệ cao giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10 - 30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống.
Hải Dương còn có khoảng trên 800 trang trại chăn nuôi, trong đó có 650 trang trại đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Phần lớn các khâu sản xuất nông nghiệp ở Hải Dương đã được cơ giới hóa. Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất. Công nghệ tưới ướt - khô xen kẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đang được nhân rộng...
"Ứng dụng công nghệ đã giúp giá trị nông sản Hải Dương ngày càng lan toả. Chỉ tính riêng cà rốt và vải thiều, mỗi năm, tỉnh xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn ra thế giới, chinh phục được cả những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản...", ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương (cũ) thông tin.
.jpg)
Là thành phố công nghiệp hiện đại nhưng Hải Phòng cũng có những dấu ấn riêng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Toàn thành phố có hơn 2.000 ha diện tích canh tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu phải kể tới Dự án Đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Hải Phòng tại huyện Vĩnh Bảo với quy mô hàng trăm ha, chuyên canh các loại rau ăn củ, quả và cây ăn lá chất lượng cao.
VinEco hiện đang là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, chuyên nghiệp nhất tại thành phố Cảng khi cơ bản các quy trình quản lý, vận hành sản xuất đều được tự động hoá từ khâu tưới nước, bón phân, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, gió, kiểm soát dinh dưỡng... Mỗi ngày, VinEco cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn nông sản bảo đảm giá trị dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
TP Hải Phòng có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, với nhiều kỹ thuật tự động trong vận hành và quản lý đàn như: hệ thống máng ăn tự động, làm mát, điều chỉnh nhiệt độ - độ ẩm chuồng nuôi, máy tiêm vaccine, thu gom chất thải, khử trùng...

Hải Phòng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong khai thác, nuôi thủy sản. Nhiều sản phẩm thủy sản của TP Hải Phòng hiện có mặt ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU...
"Sẽ còn mạnh lên"

Đó là nhận định của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương Lương Thị Kiểm trước khi hợp nhất về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sau khi Hải Dương hợp nhất với Hải Phòng.
Trước khi hợp nhất, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường hai tỉnh, thành phố bước đầu đã dự thảo được sơ bộ đề án phát triển nông nghiệp để tới đây sẽ tham mưu cho Thành uỷ Hải Phòng xem xét, chỉ đạo thực hiện, trọng tâm là các cơ chế, chính sách thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.
"Các lĩnh vực như phát triển nhà màng, ứng dụng công nghệ trong giám sát, điều hành sản xuất tự động, thông minh, thiết bị bay phun thuốc trừ sâu... sẽ được ưu tiên đề xuất đầu tư trong giai đoạn tới", bà Kiểm cho hay.
Cuối tháng 6/2025, nhiều doanh nghiệp, nông dân ở Hải Dương cho rằng nông nghiệp công nghệ cao Hải Dương sẽ có lợi thế lớn khi hợp nhất với Hải Phòng. Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực lớn, giao thông thuận lợi, có cảng biển, khu công nghiệp, các khu du lịch với nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị... Đây là cơ hội tốt để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Anh Nguyễn Văn Hùng có 36.000 m² nhà màng trồng dưa lưới ở xã Trường Tân kỳ vọng: "Mong thành phố sẽ nghiên cứu thành lập một khu chế xuất nông sản xuất khẩu riêng biệt có quy mô lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, tăng cơ hội, tạo thị trường, giá cả ổn định để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển".
TIẾN MẠNHNguồn: https://baohaiphongplus.vn/the-va-luc-moi-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-415216.html
Bình luận (0)