Ngày thứ hai của cuộc hành trình về nguồn “Theo dấu chân cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức, sáng 28-5 đoàn đến dâng hoa, dâng hương tại tượng đài ngục Kon Tum.
Đoàn văn nghệ sĩ TP HCM dâng hoa tại Tượng đài Ngục Kon Tum
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao TP HCM, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM và các văn nghệ sĩ đã xúc động làm lễ dâng hương, dâng hoa.
Đoàn đã đến tham quan Nhà Rông Kon Tum - công trình kiến trúc đặc trưng của người Ba Na, không chỉ là biểu tượng văn hóa bản địa mà còn là nơi lưu giữ những tinh hoa sinh hoạt cộng đồng lâu đời của cư dân Tây Nguyên. Giữa không gian đậm chất đại ngàn, các văn nghệ sĩ được trực tiếp trải nghiệm nét đẹp văn hóa dân tộc qua kiến trúc, trang phục và âm thanh cồng chiêng vang vọng.
Lãnh đạo TP HCM thắp hương tại tượng đài Ngục Kon Tum
Tiếp đó, đoàn di chuyển đến cầu treo Kon Klor - cây cầu dây văng lớn nhất Kon Tum, nối liền hai bờ sông Đắk Bla. Cầu được khởi công xây dựng ngày 3-2-1993 và hoàn thành vào ngày 1-5-1994, là biểu tượng kết nối giao thương - văn hóa giữa các buôn làng. Giữa khung cảnh hùng vĩ, dòng sông uốn lượn và những rặng tre xanh rì, các văn nghệ sĩ không giấu được cảm xúc trước vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và bàn tay con người.
Nhà văn Khuynh Diệp chia sẻ: “Nhìn lại chặng đường 50 năm vẻ vang của quân và dân ta trong xây dựng Tổ quốc, chúng ta tự hào tin tưởng rằng thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống kiên cường, bất khuất, để quyết tâm xây dựng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.
“Cầu treo Kon Klor không chỉ là công trình giao thông, mà với người nghệ sĩ chúng tôi, nó như một biểu tượng của sự kết nối quá khứ với hiện tại, nghệ thuật với đời sống, con người với con người” - tác giả Trần Kim Khôi - tác giả của kịch bản “Cây bàng vuông” viết về các chiến sĩ Trường Sa bày tỏ.
Các văn nghệ sĩ và phóng viên báo chí TP HCM tại Nhà Rồng Kon Tum - công trình kiến trúc đặc trưng của người Ba Na
Đoàn đã đến thăm Ngục Kon Tum - di tích lịch sử đặc biệt, nơi từng giam giữ hàng trăm chiến sĩ cách mạng Việt Nam dưới thời thực dân Pháp. Tại đây, các văn nghệ sĩ đã dâng hương tưởng niệm và lắng nghe những câu chuyện bi tráng về tinh thần bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt giam, tra tấn tàn bạo nhưng không khuất phục. Nhiều nghệ sĩ không giấu nổi sự xúc động khi bước qua từng phòng giam, chạm tay vào những bức tường đá rêu phong - nơi từng in hằn dấu vết của một thời máu lửa.
Nhà biên kịch Ngọc Trúc tâm sự: “Tôi đã đọc nhiều thông tin về Ngục Kon Tum, nhưng khi tận mắt nhìn thấy nơi này, tôi mới thật sự cảm nhận rõ sự khốc liệt và kiên trung của cha ông. Đây sẽ là chất liệu sống quý giá để tôi đưa vào các tác phẩm sân khấu sắp tới”.
Từ trái sang: NSƯT Phi Yến, NSND Phượng Loan và NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao TP HCM tại Nhà Rong Kon Tum
Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thu Phương chia sẻ: “Chuyến đi này khiến tôi xúc động lặng đi nhiều lần. Những dấu tích nơi đây không chỉ kể về nỗi đau, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tự do hôm nay có được từ máu xương hy sinh của những thế hệ cha ông đi trước. Tôi nghĩ, chúng tôi - những người cầm bút - càng phải có trách nhiệm thể hiện điều đó bằng chính tác phẩm của mình”.
Ca sĩ Minh Sang bày tỏ: “Tôi hát về đất nước nhiều lần, nhưng hôm nay, tôi mới thật sự cảm nhận được nhịp đập sâu thẳm của non sông qua từng bước chân ở Kon Tum. Tôi sẽ mang những cảm xúc này vào âm nhạc của mình - không phải là sự hoài cổ, mà là một niềm tin tươi mới về đất nước”.
Ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh và Minh Sang tại cầu treo Kon Klor
Nhà báo Nguyễn Quốc - Trung tâm tin tức HTV cũng chia sẻ đầy xúc động: “Được đi, được thấy, được nghe… tất cả như một thước phim sống động hiện lên. Tôi trân quý từng khoảnh khắc trong chuyến đi này, bởi đây là những trải nghiệm quý cho phóng viên trẻ trên những chặng đường tác nghiệp”.
Nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng - người nổi tiếng với các bộ sưu tập gắn liền với di sản và thiên nhiên cho biết: “Cây cầu Kon Klor, nhà Rông, rồi Ngục Kon Tum - tất cả đều là những biểu tượng đậm đặc bản sắc. Tôi đã có những ý tưởng rất rõ ràng cho các thiết kế mới từ chính cảm xúc ở nơi đây”.
Ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh tâm sự: “Khi bước vào Ngục Kon Tum, tôi như bước vào một thế giới khác - nơi con người bị giam giữ thân xác, nhưng tâm hồn lại kiên cường đến kỳ lạ. Là nghệ sĩ, tôi thấy mình nhỏ bé trước sự vĩ đại ấy, và càng muốn sống, hát và sáng tạo tử tế hơn”.
Leg: Phóng viên HTV Nguyễn Quốc, Ly Ly phỏng vấn tác giả Trần Kim Khôi tại Ngục Kon Tum
Trưa 28-5, đoàn văn nghệ sĩ đã đến dâng hương, dâng hoa tại khu di tích nhà lao Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm của cuộc hành trình nhằm tri ân các thế hệ chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Đoàn văn nghệ sĩ và lãnh đạo TP HCM, lãnh đạo địa phương tỉnh Kon Tum trong chuyến hành trình về nguồn tại Kon Tum
Nhà lao Pleiku, được thực dân Pháp xây dựng năm 1925, từng là nơi giam giữ và tra tấn dã man các chiến sĩ yêu nước. Với diện tích khoảng 7 ha, nơi đây có 18 phòng giam và 2 chuồng cọp, mỗi phòng chỉ rộng 10 m² nhưng từng giam giữ tới 120 người. Nhà lao Pleiku là một trong những "địa ngục trần gian" nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Lãnh đạo và đoàn văn nghệ sĩ TP HCM viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nhà lao Pleiku
Hành trình về nguồn ngày thứ hai không chỉ đưa đoàn trở về với cội nguồn lịch sử của vùng đất Tây Nguyên, mà còn khơi dậy những giá trị văn hóa - tinh thần dân tộc trong mỗi văn nghệ sĩ. Những câu chuyện từ nhà Rông, nhịp cầu Kon Klor, đến Ngục Kon Tum như những mảnh ghép quan trọng giúp hoàn thiện bức tranh lịch sử - văn hóa gắn bó sâu sắc giữa TP HCM và các địa phương từng là chiến trường xưa.
Nguồn: https://nld.com.vn/theo-dau-chan-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-1975-tro-ve-ky-uc-lich-su-kon-tum-196250528130909504.htm
Bình luận (0)