Khách hàng chọn đồ uống tại quán trà Starbeans trên đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên). |
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có khoảng 1.640 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 629 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Con số này không chỉ phản ánh nhu cầu tiêu dùng ẩm thực ngày càng lớn của người dân đô thị mà còn cho thấy sức sống mạnh mẽ của ngành F&B trong cơ cấu kinh tế dịch vụ địa phương. Nếu như trước, tiêu chí chọn quán ăn chỉ đơn thuần là giá cả, thì giờ đây, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng nguyên liệu, không gian trải nghiệm và yếu tố lành mạnh trong mỗi sản phẩm. Những cửa hàng đồ uống hay các mô hình “trà sữa pha máy - healthy” đang trở thành xu hướng phổ biến tại Thái Nguyên.
Anh Lê Tuấn Anh, tại tổ 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), là người đứng sau nhiều thương hiệu F&B đã thành công tại Thái Nguyên như Starbeans Việt Nam, Bún Cố đô…, anh chia sẻ: Với tinh thần cầu thị và nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xác định rõ phân khúc khách hàng mục tiêu, các thương hiệu do tôi xây dựng đã từng bước tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường. Ngành F&B phát triển nhanh nhưng cũng đào thải rất khắc nghiệt, nơi mà sự cạnh tranh không chỉ đến từ giá cả, mà còn đến từ trải nghiệm và sự đổi mới.
Nếu không duy trì được chất lượng, không liên tục làm mới sản phẩm hay đầu tư vào thương hiệu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị khách hàng lãng quên. Đó là lý do tôi và đội ngũ luôn chủ động cập nhật xu hướng, điều chỉnh thực đơn, làm mới không gian và cải tiến phong cách phục vụ để giữ chân khách hàng. - anh Lê Tuấn Anh
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng giao đồ ăn và nền tảng thanh toán không tiền mặt, người dân Thái Nguyên ngày càng thích nghi với lối sống “chạm là có đồ ăn”. Từ các nhà hàng lớn đến quán ăn nhỏ, hầu hết đều chủ động số hóa quy trình kinh doanh từ đặt món qua mã QR, giao hàng tận nơi, đến triển khai các chương trình ưu đãi qua Zalo, Facebook fanpage nhằm tăng trải nghiệm khách hàng.
Khách hàng thưởng thức đồ uống tại quán trà Thái LAB trên đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên). |
Một điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh F&B địa phương là việc các thương hiệu đã tận dụng nguyên liệu đặc sản như chè Thái Nguyên để phát triển thực đơn sáng tạo và mang đậm bản sắc. Những thức uống như trà ủ lạnh từ chè Tân Cương đang dần trở thành lựa chọn yêu thích của giới trẻ, vừa thỏa mãn khẩu vị vừa góp phần quảng bá nông sản địa phương.
Chia sẻ về định hướng phát triển, anh Chu Cao Thành Đạt, chủ thương hiệu trà Thái LAB, toạ lạc trên đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên) cho biết: Hiện tại chúng tôi sử dụng nguyên liệu từ vùng chè Tân Cương và La Bằng, được chọn lọc kỹ lưỡng. Chúng tôi kết hợp phương pháp chế biến truyền thống với công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm vừa giữ được hương vị nguyên bản, vừa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trẻ.
So với nhiều tỉnh lân cận, Thái Nguyên có lợi thế rõ rệt trong phát triển ngành F&B nhờ có các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, thu hút hàng chục nghìn sinh viên theo học mỗi năm. Đây là lực lượng tiêu dùng trẻ, năng động, có gu thẩm mỹ hiện đại và xu hướng chi tiêu mạnh cho trải nghiệm ẩm thực. Với thị trường tiêu dùng trẻ trung, năng động, cùng sự dịch chuyển mạnh mẽ trong thói quen ăn uống và tiêu dùng, ngành F&B tại Thái Nguyên đang mở ra những cơ hội phát triển lớn.
Theo "Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2024" do iPOS.vn phối hợp với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thực hiện, các chuyên gia dự báo ngành F&B tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với mức ước đạt 9,6% trong năm 2025 - phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường. Dựa trên kết quả khảo sát gần 4.500 thực khách, báo cáo cho thấy tuy tổng mức chi tiêu không giảm, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt đi kèm mức giá hợp lý. |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/thi-truong-fb-tai-thai-nguyen-co-hoitu-xu-huong-tieu-dung-moi-c3715e0/
Bình luận (0)