Chưa bao giờ sự kiện chính sách thuế quan lại gây chấn động mạnh như vậy. Hoa Kỳ – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – tuyên bố áp thuế lên tới 46%, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2024 đạt gần 120 tỷ USD. Nếu để kịch bản xấu nhất xảy ra, nền kinh tế Việt Nam có thể phải gánh chịu một cú sốc tương đương 12% GDP quốc gia – một tác động chưa từng có, có thể làm lung lay niềm tin thị trường và ảnh hưởng tới hàng triệu việc làm.
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam không chọn thái độ lo lắng hay phản ứng tiêu cực. Tổng Bí thư Tô Lâm – người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – đã thể hiện rõ vai trò là trụ cột bản lĩnh, người “cầm tay lái” chính trị trong những làn sóng biến động toàn cầu. Việc ngay lập tức chủ động đề xuất và thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Donald J. Trump là một hành động quyết đoán, cho thấy tinh thần chủ động hội nhập và trách nhiệm quốc tế cao của Việt Nam.
Không bị động bất ngờ trước các biến động từ bên ngoài, Việt Nam đã chủ động bước lên bàn cờ với một tư thế đàng hoàng. Cuộc điện đàm là một minh chứng sống động rằng: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam luôn là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, nhất quán trong chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam sẵn sàng đối thoại có lý, có tình, trên tinh thần xây dựng, và kiên quyết không chọn đối đầu; coi đây như một phương thức ứng xử quốc tế.

Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Thay vì chỉ phản ứng trước những quyết định của Hoa Kỳ, Việt Nam đã chủ động đưa ra giải pháp cụ thể, thực chất và công bằng. Lời đề xuất mang tính “song phương hóa” thuế quan không chỉ giúp tháo gỡ nút thắt trước mắt mà còn mở đường cho một hiệp định thương mại mới, công bằng hơn, hiện đại hơn. Đây không phải là lời mời thương thảo thông thường mà là một đề xuất sòng phẳng, thiện chí và mang tầm chiến lược; một đề xuất định hình lại tư duy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Đó là lời cam kết vì một quan hệ thương mại bền vững, ổn định và mang tính lâu dài – vượt qua cả lợi ích ngắn hạn.
Không phải ngẫu nhiên mà truyền thông quốc tế, trong đó có nhiều hãng tin lớn như Reuters, Bloomberg…, đồng loạt đưa tin trang trọng về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ. Họ gọi đây là một động thái “mang tính điều hướng” giữa lúc cục diện thương mại quốc tế đang có nguy cơ rạn nứt thêm vì chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Điều đó cho thấy, Việt Nam – với hình ảnh là quốc gia biết lắng nghe, biết hành động, biết đối thoại và quan trọng hơn cả là biết đặt lợi ích lâu dài của người dân lên trên những tính toán chính trị ngắn hạn – đang trở thành điểm sáng trong con mắt bạn bè quốc tế.
Cuộc điện đàm cũng nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ phía Tổng thống Donald J. Trump. Trên mạng xã hội Truth Social, ông chia sẻ bức ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm, khẳng định cuộc điện đàm “rất hiệu quả”, đồng thời bày tỏ “trông chờ một cuộc gặp trong tương lai gần”. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đàm phán với Hoa Kỳ sau tuyên bố áp thuế. Canada, Mexico, EU đã tiến hành đàm phán trước đó. Vậy nhưng, Tổng thống Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là đối tác đầu tiên công bố nội dung đối thoại - điều này không chỉ là một sự ghi nhận mang tính ngoại giao, mà còn thể hiện rõ sự tin cậy, tôn trọng và đánh giá cao đối với vị thế và bản lĩnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước đó, ngay sau tuyên bố áp thuế của Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể. Không chỉ vậy, trong suốt 2 tháng vừa qua, Chính phủ đã chủ động và tích cực trong việc giải quyết các mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald J. Trump về thương mại. Nỗ lực cân bằng thương mại với Hoa Kỳ thể hiện ở việc Chính phủ đã chủ động điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng từ Hoa Kỳ như khí hóa lỏng, ethanol, ô tô, nông sản, trái cây, gỗ; đẩy nhanh tiến độ mua máy bay Boeing; tăng tốc triển khai các dự án điện khí LNG, ký kết các hợp đồng mua sắm thiết bị, nguyên liệu và dịch vụ cho các dự án này...
Dù thuế suất bao nhiêu vẫn là câu chuyện đang nằm trên bàn đàm phán, song phản ứng nhanh nhạy, chủ động của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm, đã soi rọi phương hướng cho doanh nghiệp và người dân; giữ vững niềm tin của họ vào tương lai và tiếp thêm năng lượng để cả nền kinh tế vượt qua thử thách.
Trong cơn sóng gió của thương mại toàn cầu, Việt Nam không bị cuốn theo vòng xoáy tranh chấp mà chủ động điều hướng cục diện. Điều đó chỉ có thể làm được khi đất nước có một tầm nhìn chiến lược, một niềm tin nội tại vững vàng và một đội ngũ lãnh đạo đủ tâm – tầm – trí – dũng.
Trong thời đại mà chủ nghĩa bảo hộ và dân tộc kinh tế đang trỗi dậy, Việt Nam chọn con đường hội nhập chủ động, thương mại công bằng và đối thoại xây dựng. Hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm là hiện thân cho một tư duy đối ngoại kiên định: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, linh hoạt nhưng không đánh mất nguyên tắc, mềm dẻo nhưng không thỏa hiệp về lợi ích cốt lõi.
Cuộc điện đàm tối ngày 4.4 đã ghi dấu đầy tự hào trên bản đồ ngoại giao thế giới: Việt Nam không phải là bên bị động, mà là bên kiến tạo. Hơn bao giờ hết, thế giới đang nhìn Việt Nam bằng con mắt của sự tôn trọng, tin tưởng. Và người dân Việt Nam cũng đang nhìn về tương lai với tâm thế chủ động, tự cường và đầy hy vọng.
Bản lĩnh ấy, tầm nhìn ấy sẽ là nền tảng để Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thử thách, khẳng định vị thế của mình, và viết tiếp hành trình vươn tới một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trường tồn trong thế kỷ XXI.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thong-diep-tu-cuoc-dien-dam-lich-su-post409449.html
Bình luận (0)